Hải Phòng 12/12/2024

LUẬT AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG, 5 NĂM- MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Thứ tư, 22/09/2021

                Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng ban CSPL, Giám đốc Trung tâm TVPL Công đoàn
 
       Ngày 25 tháng 6 năm 2015 Quốc hội nước CHXNCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 đã chính thức thông qua Luật An toàn Vệ sinh Lao động. Ngày 09/7/2015 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh Công bố Luật số 12/2015/L- CTN.  Luật An toàn Vệ sinh Lao động với 7 Chương 93 Điều chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016.
       Luật An toàn Vệ sinh Lao động ra đời là dấu ấn quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động cũng như  công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp. Luật An toàn Vệ sinh Lao động ra đời đã tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo tính thực thi cao hơn, đồng thời tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành vi của các cơ quan quản lý nhà nước về lao động; của mỗi doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động.
       Từ khi Luật An toàn Vệ sinh Lao động ra đời quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động đã chuyển từ tự phát lên tự giác trong khuôn khổ pháp luật. Luật An toàn Vệ sinh Lao động đã quy định rõ quyền trách nhiệm của tất cả các bên liên quan như đối với người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan quản lý; các cơ chế tổ chức, quản lý an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm kiểm soát các yếu tổ, nguy hiểm ngay từ các bước lập dự án đầu tư, xây dựng, mở rộng nhà xưởng, nơi làm việc, hoạt động kinh doanh; các cơ chế chia sẻ rủi ro giữa các lĩnh vực, khu vực sản xuất khi xảy ra tai nạn, sự cố; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động thông qua việc quy định cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan; vai trò và trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp và các hoạt động cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực kiểm định, tư vấn, huấn luyện an toàn lao động. Từ đó góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy cải thiện điều kiện, môi trường làm việc của người lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đồng thời đảm bảo an sinh xã hội đối với các trường hợp người lao động không may gặp rủi ro trong quá trình làm việc hay bị tai nạn lao động.
       Tuy nhiên sau 5 năm đi vào cuộc sống, trước các vấn đề mới phát sinh và những quy định không còn phù hợp, Luật an toàn vệ sinh lao động cũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như:
       - Danh  mục nghề công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hiện nay còn được quy định trong nhiều văn bản khác nhau, cần tích hợp trong một văn bản thống nhất để tiện cho người sử dụng lao động và người lao động tra cứu, áp dụng.
       - Các quy định về điều kiện để người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật còn chưa hợp lý, mức bồi dưỡng thấp trong khi giá cả thị trường tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lựa chọn mua hiện vật bồi dưỡng cho người lao động (chủ yếu là mua đường, sữa), trong khi một bộ phận công nhân lao động không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được hiện vật bồi dưỡng như đường, sửa.. nhưng doanh nghiệp vẫn buộc người lao động phải nhận vì nếu trả bằng tiền sẽ vi phạm quy định của pháp luật.
       - Hiện nay có một số doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân thường tự mua các loại máy móc cũ (máy cẩu, xe nâng) về tự sửa chữa, hoán cải, lắp ráp để sử dụng dễ gây nguy hiểm, cần quy định cụ thể việc quản lý kiểm định với loại thiết bị này.
       - Cần quy định danh mục cụ thể khi khám sức khỏe cho người lao động để tránh việc doanh nghiệp lách luật tổ chức khám sức khỏe cho người lao động không đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Việc quan trắc môi trường cần quy định cụ thể địa điểm quan trắc, thời điểm quan trắc để đảm bảo tính khách quan, chính xác về môi trường làm việc của người lao động.
       - Mức bồi thường trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động suy giảm từ 81% sức lao động trở lên hoặc tử vong tương đương 30 tháng tiền lương như hiện nay là chưa phù hợp. Để thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động bị tai nạn và gia đình họ, cần quy định ở mức cao hơn, từ 35- 40 tháng tiền lương.
       - Việc quy định về huấn luyện an toàn lao động tại doanh nghiệp như hiện nay phù hợp với loại hình doanh nghiệp sản xuất trực tiếp nhưng đối với các loại hình doanh nghiệp dịch vụ như: Vận tải, du lịch, Logictis, thương mại, giáo dục.. cần có quy định riêng cho phù hợp.
       - Luật An toàn Vệ sinh Lao động không quy định về mức sàn phụ cấp cho an toàn vệ sinh viên dẫn tới nhiều doanh nghiệp chỉ thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên để đối phó với các cơ quan quản lý khi thanh tra, kiểm tra mà không quan tâm, tạo điều kiện cho lực lượng nay hoạt động. An toàn vệ sinh viên không có phụ cấp hoặc phụ cấp ở mức rất thấp dẫn tới không khích lệ được an toàn vệ sinh viên làm việc có trách nhiệm, hiệu quả.
       - Luật An toàn Vệ sinh Lao động hiện tại đã quy định cụ thể các trường hợp được xác định là tai nạn lao động hoặc tai nạn được hưởng chế độ như tai nạn lao động đó là: Tai nạn tại nơi làm việc xẩy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc; ngoài nơi làm việc theo yeeu cầu của người sử dụng lao động và  trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thoài gian và quãng đường hợp lý). Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra trường hợp người lao động bị chết đột ngột (đột tử) trong khuôn viên của doanh nghiệp trước khi đến giờ làm việc, hoặc sau khi kết thúc công việc, cũng có trường hợp người lao động bị ngất khi đang làm việc được đưa đi bệnh viện cấp cứu sau thời gian (từ 1 đến 2 tháng) mới tử vong...thì chưa có cơ sở để xác định chế độ, chính sách với người lao động trong trường hợp này.
       Đánh giá kết quả 5 năm thi thành Luật An toàn Vệ sinh Lao động là dịp để nhìn nhận lại những mặt tích cực cũng như hạn chế của Luật, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với các tình huống thực tế mới phát sinh là việc làm cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để Luật An toàn Vệ sinh Lao động thực sự là cơ sở, là nền tảng vững chắc, đóng góp quan trọng vào công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong đời sống xã hội./.
------------------------------
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:1025
Tất cả:05526133
Đang trực tuyến:136

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn