Hải Phòng 11/11/2024

ĐÔI BÀN TAY MANG NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI

Thứ ba, 20/07/2021

      Chị Phạm Thị Ngoan sinh ra ở Chí Linh, Hải Dương, một vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của dòng sông Kinh Thầy đã ghi dấu những chiến công oanh liệt của người nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi thời kỳ kháng chiến. Tốt nghiệp Đại học Thủy lợi Hà Nội, cầm tấm bằng đại học trong tay, nữ sinh Phạm Thị Ngoan với bao dự định đã từng ấp ủ sẽ trở lại quê hương nơi có công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải vĩ đại, thơ mộng, hấp dẫn và huyền thoại, song chị lại chọn thành phố Hải Phòng là nơi lập nghiệp và cũng là bến đỗ suốt cả cuộc đời. Có lẽ đấy là cái duyên chăng? Về với Hải Phòng, về với Công ty khai thác công trình thủy lợi Đa Độ - nơi mà chị đã gắn bó đến bây giờ.
      Với những trăn trở: “Cũng hệ thống thủy lợi ấy, những con người ấy, thiết bị ấy, làm thế nào để dùng năng lượng thay sức người, đưa hiệu quả sử dụng thiết bị tăng lên, cải thiện môi trường”. Thạc sỹ Phạm Thị Ngoan đã tìm tòi nghiên cứu, và đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để quản lý, vận hành từ xa hệ thống cống thủy lợi (cống Bãi Vẹt) và cống Đống Cung”, thuộc hệ thống công trình thủy lợi Đa Độ. Từ đó chúng tôi gọi là “Bàn tay mang năng lượng mặt trời”.
      Hệ thống công trình thủy lợi Đa Độ là hệ thống thủy lợi lớn nhất thành phố Hải Phòng thuộc ven biển Bắc Bộ được bồi đắp bởi phù sa của hạ du sông Thái Bình và Sông Hồng dài 48,6 km, bắt nguồn từ cụm công trình đầu mối cống Trung Trang được xây dựng bên bờ Tả sông Văn Úc trên địa bàn xã Quang Hưng, huyện An Lão, cuối nguồn là cụm công trình cống Cổ Tiểu. Hệ thống mang đặc điểm của thủy lợi vùng triều, được bao bọc bởi các triền đê sông Văn Úc, Lạch Tray, đê Biển I, II đi qua 5 huyện, quậnlà An Lão, Kiến Thụy, Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn. Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng trên 32 nghìn ha. Hệ thống công trình thủy lợi gồm 272 công trình kênh cấp I; 72 cống dưới đê tả Văn Úc, hữu Lạch Tray, đê biển I, II; 152 trạm bơm điện nội đồng; 594 công trình trên kênh và 149 công trình kênh tưới sau trạm bơm.
      Trên cả nước cơ sở hạ tầng thủy lợi cơ bản đã hoàn thiện nhưng chưa nhiều khu vực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hầu hết vẫn quản lý, vận hành thủ công, theo kinh nghiệm với chi phí đầu tư và nhân công tương đối lớn. Hiện nay, một số dự án của Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trung tâm khoa học và triển khai kỹ thuật thủy lợi đã bắt đầu áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi. Tuy nhiên, tại Hải Phòng vẫn chưa có thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để quản lý, điều khiển từ xa cống thủy lợi, trong khi tiềm năng về nguồn năng lượng rất lớn, giúp giảm thiểu chi phí vận hành, điều khiển, theo dõi công tác vận hành nhanh chóng, kịp thời, theo thời gian thực nếu áp dụng đại trà trên quy mô rộng. Vì vậy, việc nghiên cứu chế tạo và ứng dụng thí điểm thiết bị quản lý, vận hành từ xa cống thủy lợi là cần thiết, có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định vai trò của công nghệ trong chiến lược phát triển thủy lợi, nâng cao khả năng quản lý, vận hành thủy lợi hiệu quả và chủ động.
      Bên cạnh việc nghiên cứu về mặt kỹ thuật, yêu cầu về năng lượng tái tạo cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Các công trình thủy lợi vận hành bằng điện thuộc hệ thống thủy lợi Đa Độ đều sử dụng nguồn điện lưới, các cống hầu hết có vị trí nằm xa khu dân cư, tốn kém chi phí lắp đặt. Trong mùa mưa bão, yêu cầu vận hành điều tiết thường xuyên nhưng cống thủy lợi có khả năng gặp sự cố mất điện, vận hành thủ công trong điều kiện khắc nghiệt.
       Việc ứng dụng thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để quản lý, vận hành từ xa hệ thống cống thủy lợi sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường.
Về kỹ thuật: Sử dụng 100% năng lượng mặt trời, không phụ thuộc vào nguồn điện lưới; vận hành tự động hóa bằng hệ thống điều khiển từ xa, cập nhật số liệu 24/24 giờ; dễ dàng chuyển đổi vận hành thủ công; giảm từ 5 đến 10% khối lượng công việc trong công tác quản lý, vận hành công trình; toàn bộ thiết bị vận hành bằng dòng điện một chiều chỉ từ 12-48 vol, đảm bảo an toàn cho người vận hành và giảm thiểu nguy cơ cháy nổ; kiểm tra, giám sát vận hành theo thời gian thực.
      Về kinh tế: Tăng hiệu quả điều tiết nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp, kinh tế của địa phương;công nhân được đào tạo sử dụng thiết bị, nâng cao trình độ quản lý vận hành, có thể linh hoạt điều chuyển đến các vị trí quản lý, vận hành cống lớn hơn; tiết kiệm nhân lực và thời gian vận hành trực tiếp, giúp công nhân có nhiều thời gian quản lý, rà soát xả thải vàkiểm soát lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình.
      Về xã hội: Việc áp dụng thiết bị làm tăng hiệu quả điều tiết nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và ngăn chặn, tiêu thoát nước ô nhiễm nhanh chóng theo từng tiểu vùng trên toàn hệ thống; trình độ tay nghề của công nhân được nâng cao; tiết kiệm nhân lực và thời gian vận hành trực tiếp.
      Về môi trường: Tiết kiệm năng lượng hóa thạch và tài nguyên thiên nhiên cho việc vận hành; góp phần điều tiết, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước đang diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn, cũng như bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước ngọt của thành phố; tận dụng không gian lắp đặt thiết bịtrên giàn công tác, không tốn diện tích mặt đất, không tạo ra chất thải ra môi trường trong quá trình hoạt động.
Chị Phạm Thị Ngoan (thứ ba từ trái sang) cùng đồng nghiệp thăm cống thủy lợi Bãi Vẹt
         
        Hiện nay đề tài mới thí điểm ởcống Bãi Vẹt và cống Đống Cung, khả năng áp dụng cho tất cả các cống trong toàn hệ thống công trình thủy lợi Đa Độ là rất khả thi. Quy mô tương tự đối với các hệ thống thủy lợi khác trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Trên cả nước, hiện các hồ chứa, các công trình thủy lợi quy mô lớn đã được ứng dụng đóng mở tự động. Tuy nhiên, vẫn chưa có thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để quản lý, điều khiển từ xa. Trong khi tiềm năng về nguồn năng lượng này rất lớn, giúp giảm thiểu chi phí và nhân công vận hành, điều khiển, theo dõi công tác vận hành nhanh chóng, kịp thời, theo thời gian thực nếu áp dụng đại trà trên quy mô lớn.
          Với kết quả đạt được của giải pháp khi được áp dụng trên diện rộng về hiệu quả kinh tế và nhu cầu ứng dụng năng lượng mặt trời có thể liên kết với các công ty, doanh nghiệp tin học công nghệ và điện lực để tối ưu hóa năng lượng, hiệu quả hoạt động thiết bị sử dụng trong sản xuất.


                                Vũ Văn Dương
               Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT
 
 
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:2589
Tất cả:05427860
Đang trực tuyến:67

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn