Đó bí quyết giúp anh Nguyễn Văn Long, Tổ trưởng tổ sản xuất các loại dưỡng, Công ty TNHH May Việt- Hàn (huyện Kiến Thụy) thiết kế thành công bộ dưỡng gá may túi trên thân áo khoác (jacket). Với giải pháp sáng kiến này, năm 2019, anh Long vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Bằng lao động sáng tạo.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Việt - Hàn Đỗ Thị Tuyết hồ hởi giới thiệu: “Trong công việc, anh Long vừa giỏi chuyên môn, lại hòa đồng, thân thiện. Vì thế, không ít công nhân trẻ thường xuyên nhờ anh Long tư vấn, hỗ trợ. Với ai, anh cũng giúp đỡ nhiệt tình, chẳng ngại khó”. Khá giống lời kể của chị Tuyết, anh Long tạo thiện cảm với người đối diện ngay từ lần đầu gặp gỡ nhờ cách nói chuyện khá dí dỏm, gần gũi. Hơn 10 năm gắn bó với công ty, anh Long luôn tâm niệm: xưởng sản xuất là nhà, đồng nghiệp là anh em. Anh Long kể: “Trước đây, tôi vốn là kỹ sư, tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí, chỉ có “duyên” với bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị. Nên khi lãnh đạo Công ty quyết định điều chuyển sang bộ phận thiết kế dưỡng, tôi khá lo lắng. Tôi e ngại bàn tay thô kệch, vốn quen dầu mỡ khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ ở vị trí mới. Dẫu vậy, tôi coi đây là cơ hội học hỏi, trải nhiệm mới”. Từ cái khó ló cái khôn, với sự quan sát nhạy bén và vốn am hiểu về quy trình sản xuất giúp anh Long nhận thấy sự bất hợp lý trong quá trình may túi áo khoác (jacket). Anh Long trăn trở: “Áo khoác là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Công ty. Tuy nhiên thao tác may túi vẫn thực hiện thủ công nên sản lượng hạn chế, độ chính xác không cao. Bên cạnh đó thao tác may thủ công phụ thuộc phần lớn vào tay nghề của người lao động. Quá trình may túi gặp lỗi sẽ phát sinh công đoạn sửa chữa gây lãng phí về thời gian, nhân lực”.
Cũng theo anh Long, chi tiết túi áo khoác tương đối phức tạp với cấu tạo gồm: thân sản phẩm, cơi túi ngoài, cơi túi lót, lót túi trên, lót túi dưới... Do đó, quy trình may túi áo đòi hỏi sự chuẩn xác trong quá trình ghép ráp, đường may vừa chắc chắn vừa phải bảo đảm yếu tố cân xứng, êm phẳng. Xuất phát từ thực tế trên, anh Long ấp ủ ý tưởng tạo bộ dưỡng gá để đơn giản thao tác may túi áo, nâng cao năng suất và bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chí mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh việc quan sát, ghi chép cụ thể những bất cập phát sinh trong quá trình may túi thủ công, anh Long tham khảo thêm ý kiến của các công nhân về khó khăn gặp phải khi triển khai công việc, cách làm khác nhau của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc. Từ đó, anh Long tiếp thu và xây dựng giải pháp sáng chế phù hợp với các chuyền may của công ty. Anh Long tính toán chi tiết các thông số, tìm kiếm chất liệu phù hợp để xây dựng bộ dưỡng, phác thảo bộ dưỡng gá với nhiều công dụng như: xác định chính xác vị trí trên thân áo, các kích thước túi khác nhau tùy theo cỡ áo, kiểu áo... Không phụ công anh Long nghiên cứu, mày mò, kết quả thử nghiệm khả quan, trong thời gian 1 túi áo bằng phương pháp thủ công, có thể tạo thành 4 túi cùng loại thay nếu sử dụng dưỡng gá. Không chỉ tiết kiệm về thời gian, giảm 1 nửa nhân lực so với quy trình cũ, việc may túi áo sử dụng dưỡng gá đem lại độ chính xác cao hơn (khoảng 95%) đáp ứng tốt yêu cầu của đối tác. Giải pháp thiết kế thành công bộ dưỡng gá may túi trên thân áo khoác của anh Long được ứng dụng trong quy trình sản xuất đại trà tại 11 chuyền may của Công ty TNHH May Việt -Hàn từ tháng 10- 2014. Sáng kiến của anh Long làm lợi kinh tế cho công ty gần 2 tỷ đồng/năm.