12 năm gắn bó với Công ty TNHH Estelle Việt Nam, anh Nguyễn Thanh Tùng, công nhân bộ phận dây chuyền chứng minh năng lực với 2 lần nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng nhiều cải tiến lớn, nhỏ khác. Mới đây nhất là đề tài “Thiết kế, cải tiến máy dập chốt tròn khóa lắp ráp dây chuyền đeo cổ” của anh Tùng giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp 1 tỷ đồng.
Là người con của đất thép Thái Nguyên nhưng anh Nguyễn Thanh Tùng lại bén duyên với thành phố Cảng suốt 17 năm qua. Năm 2003, anh học chuyên ngành Cơ khí chế tạo tại Trường trung cấp Giao thông vận tải Hải Phòng. Trải qua nhiều vị trí việc làm, năm 2008, anh Tùng đầu quân về Công ty TNHH Estelle Việt Nam. Làm đúng chuyên môn lại được ban lãnh đạo công ty tạo điều kiện thuận lợi nên anh Tùng từng bước phát huy năng lực bằng việc cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.
Nói về đề tài “Thiết kế, cải tiến máy dập chốt tròn khóa lắp ráp dây chuyền đeo cổ”, anh Tùng khiêm tốn: “Khi tôi bắt tay cải tiến máy dập chốt tròn, tôi chỉ có mong muốn duy nhất là nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động của chính mình và anh em công nhân, chứ không nghĩ sẽ được khen thưởng...”. Anh cho biết thêm, chốt tròn khóa là chốt chặn để các past của khoá không bị rời ra. Khi lắp ráp past với nhau, cần một thanh tròn xiên ngang giữa các past của khóa và hai đầu của thanh ngang, người công nhân phải đột tròn đầu lại để giữ các past với nhau, không bị rời ra. Để chế tạo khóa dây chuyền gồm các bước: đúc khuôn, quay sáng, cắt thanh tròn, lắp ráp, dập tròn, mài sáng. Trước đây, ở bước dập tròn hai đầu chốt giữ past khóa đều làm bằng thủ công, mất nhiều thời gian, năng suất thấp, tỷ lệ hàng lỗi nhiều.
Nhận thấy những hạn chế tại công đoạn dập tròn, anh Tùng nghiên cứu, cải tiến đầu dập chốt tròn có thông số vừa bằng độ lớn của đầu tròn bằng cách chế tạo thành hai đầu gắn vào máy có lỗ vừa bằng độ lớn của chốt tròn tạo thành đầu tròn cho chốt hai bên của khóa. Khi lắp ráp các past khóa xong, người công nhân cho phần cần dập chốt tròn vào hai lỗ của bộ phận đã cải tiến, chỉ cần đạp bàn ga phía dưới, máy sẽ tự động dập thành hai đầu tròn. Như vậy, cải tiến giúp giảm đến 90% thời gian chế tạo, giảm bớt nhân công, lỗi sản phẩm giảm từ 30% xuống còn 5%. Nếu như trước đây, bằng phương pháp thủ công, công ty chỉ sản xuất 2.000 chiếc khóa/ngày, nhưng với cải tiến của anh Tùng, giúp sản xuất tăng lên 3.000 chiếc khóa/ngày. Mỗi năm, sáng kiến trên giúp làm lợi cho doanh nghiệp 1 tỷ đồng.
Để có được những con số hiệu quả ấn tượng như vậy, ít ai biết rằng anh Tùng mất hơn 1 năm nghiên cứu, chế tạo với vô số lần thử nghiệm thất bại. Khó khăn nhất là việc chế tạo khuôn phôi có thông số phù hợp với độ lớn của đầu tròn. Anh không nhớ đã phải vất đi bao nhiêu chiếc khuôn phôi, chỉ biết rằng, quá trình ấy không ít lần khiến anh ức chế, bực bội. Nhưng không nản chí, anh quyết tâm đi tìm lời giải cho bài toán khó. Để rồi khi chứng kiến thành quả vượt ngoài mong đợi, anh mới thở phào nhẹ nhõm.
Trước đó, vào năm 2013, anh Tùng cũng là “cha đẻ” sáng kiến cải tiến hệ thống cảm biến tự động hóa máy dập khóa, mang về bằng lao động sáng tạo đầu tiên. Trò chuyện cùng anh Tùng, thấy anh rất kiệm lời khi chia sẻ về công việc cũng như các sáng kiến. Đây cũng là cảm nhận chung của nhiều anh em công nhân khi nói về người đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên, ai cũng dành nhiều tình cảm và ngưỡng mộ năng lực của anh. Dù chỉ tốt nghiệp trung cấp nhưng anh Tùng chứng minh “trăm hay không bằng tay quen” khi nắm bắt chuyên môn nhanh, vững và thường xuyên giúp đỡ đồng nghiệp trong quá trình làm việc. Luôn nỗ lực tự học hỏi từ đồng nghiệp rồi tự mày mò, nghiên cứu, làm giàu thêm vốn tri thức của bản thân, với anh Nguyễn Thanh Tùng “đó là niềm vui mà công việc mang lại”./.
Nguyên Nguyên