Nữ cán bộ khuyến nông 5 lần nhận bằng lao động sáng tạo
Thứ sáu, 18/09/2020
Đến Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, ai cũng dành nhiều thiện cảm với chị Lê Thị Đức, Phó trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp bởi tài năng và niềm say mê nghiên cứu khoa học. Với 5 lần nhận bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chị vinh dự là 1 trong 15 cá nhân điển hình tiên tiến trong công nhân, viên chức, lao động Hải Phòng giai đoạn 2015-2020.
Gặp chị Lê Thị Đức tại cánh đồng bắp cải xã Hùng Thắng, huyện Vĩnh Bảo, thấy chị đang cặm cụi ghi chép. Chị hào hứng cho biết, sáng kiến màng phủ trong sản xuất bắp cải của chị bước đầu được người dân ghi nhận với các lợi ích như hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, côn trùng, chuột; điều hòa độ ẩm cho đất, chống rửa trôi phân bón, giúp rau phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao. “Để có thể áp dụng sáng kiến vào thực tiễn sản xuất không hề dễ dàng. Chúng tôi mất nhiều thời gian, công sức thuyết phục, dần phá bỏ sự hoài nghi của bà con nông dân vào tính khả thi của giải pháp. Cùng với đó là những ngày tháng theo dõi, giám sát quá trình cây sinh trưởng, chống chịu với thời tiết, dịch bệnh... Chỉ đến khi bà con vui mừng đón nhận thành quả, tôi mới thở phào nhẹ nhõm...”, chị tâm sự.
13 năm gắn bó với Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, nữ thạc sĩ nông nghiệp đa tài tạo dấu ấn đậm nét với bảng thành tích đáng ngưỡng mộ như: 5 lần đạt bằng lao động sáng tạo; 11 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; 1 bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Ham học hỏi, say mê nghiên cứu khoa học, chị Đức luôn trăn trở làm sao có thể ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào trồng trọt với những giống cây mới có phẩm chất tốt, năng suất cao cùng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, giúp cải thiện đời sống bà con nông dân.
Vì vậy mà hầu như năm nào, chị cũng tham gia nghiên cứu khoa học và cho ra đời nhiều sáng kiến, sáng tạo. Tiêu biểu là các đề tài: “Ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh lúa nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất”; “Ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất rau trái vụ an toàn”; “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trên cây dưa hấu tại xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng bằng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống mới, phân bón mới gắn truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm”... Mới đây, năm 2019, chị tiếp tục có thêm giải pháp “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế sản phẩm đặc trưng ổi thị trấn Vĩnh Bảo” bằng ứng dụng phân bón sinh học Vua – Endophyte, hệ thống tưới nước tự động phun sương gắn truy xuất nguồn gốc, giúp tăng 10% năng suất so với sản xuất đại trà, lên 40 tấn/ha/năm, lãi thuần hơn 930 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều năm gắn bó ruộng đồng, làm bạn với bà con nông dân, chị Lê Thị Đức cho thấy bản lĩnh cùng sức sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học giúp chị vượt qua những thách thức của nghề nghiệp. Chị chia sẻ, để cho ra đời những nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, chị thường xuyên phải xuống những địa bàn xa xôi, rộng lớn, không quản mưa nắng. Rồi trở ngại trong việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật của bà con còn nhiều hạn chế khiến chị cùng đồng nghiệp thường xuyên phải làm công tác tư tưởng để bà con chấp nhận ứng dụng giống cây, kỹ thuật mới. Hơn hết là việc cân đối giữa công việc và gia đình, làm tròn nghĩa vụ người vợ, người mẹ. Chị dí dỏm: “Cũng may nhờ sự ủng hộ, hậu thuẫn lớn từ ông xã và gia đình nhà chồng, tôi mới có thời gian nghiên cứu khoa học. Ngẫm ra, trong thành công của người phụ nữ có bóng dáng… của người đàn ông mới đúng với hoàn cảnh của tôi”.
Nguyên Nguyên