Hải Phòng 25/09/2023

Nữ quản lý chuyền đam mê sáng tạo

Thứ năm, 22/11/2018

Nhanh nhẹn, tự tin, quyết đoán là những lời khen mà đồng nghiệp dành tặng chị Phạm Thị Nguyệt, Quản lý chuyền kiểm tra, Tổ trưởng công đoàn bộ phận Kiểm tra FEED-PAD-DC, Công ty TNHH Sumirubber Việt Nam (Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng). Với “Cải tiến hệ thống sản xuất thành chu trình sản xuất khép kín”, chị Nguyệt vinh dự nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.


Chị Nguyệt cho biết: “Khi chưa có dây chuyền sản xuất khép kín, các bộ phận nằm độc lập, cách xa nhau. Việc kiểm tra hàng rất vất vả, phải đi từ bộ phận lắp ráp, rồi qua 2 lần kiểm tra, đến bộ phận đóng gói”. Song, người quản lý chuyền kiểm tra vất vả một thì anh em công nhân vất vả mười. Chị lý giải, sau khi nhận kế hoạch sản xuất, công nhân tiến hành lấy cao su về lắp ráp bằng tay. Sau khi lắp ráp xong, công nhân dùng tay bê hàng đến khu vực chờ kiểm tra lần 1, sau đó, công nhân lại dùng tay bê hàng đến khu vực kiểm tra lần 2, cuối cùng mới đến khu vực chờ đóng gói. Điều này gây nhiều “phiền toái” khi hàng tồn kho nhiều, tốn diện tích, dễ lẫn hàng, khó kiểm soát số lượng sản xuất theo kế hoạch cũng như hao phí thời gian vận chuyển hàng.
Bằng kinh nghiệm 11 năm công tác tại doanh nghiệp, chị Nguyệt đề xuất sáng kiến “quy về một mối” các bộ phận trên cùng dây chuyền khép kín gồm 12 công nhân. Theo đó, công nhân tiến hành lắp ráp với sự hỗ trợ của máy, sau đó, lập tức chuyển sang công đoạn kiểm tra lần 1, rồi kiểm tra lần 2 với hệ thống băng chuyền, cuối cùng chuyển sang đóng gói và chuyển xuống kho. Sáng kiến giúp công nhân không phải vận chuyển hàng, giảm thao tác thừa và thời gian “chết” xuống 768 giờ/tháng, năng suất lao động tăng 5% so với trước đây. Người quản lý cũng đỡ vất vả hơn khi không cần phải tìm kiếm hàng, tránh nhầm, sót lọt hàng.
Nữ quản lý chuyền kiểm tra có vóc dáng dong dỏng “bật mí” thêm, sáng kiến ra đời do tình cờ chị xem chương trình truyền hình giới thiệu dây chuyền sản xuất thức ăn tự động của người Nhật. Chị bỗng nảy ra ý tưởng về dây chuyền tương tự, khép kín và bán tự động. Ý tưởng nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo công ty và được áp dụng từ tháng 3-2016. Theo lãnh đạo công ty, sáng kiến của chị Nguyệt giúp đơn vị tiết kiệm 428 triệu đồng/năm gồm chi phí nhân công và chi phí đầu tư nguyên, nhiên liệu. Trong năm 2018, công ty tiếp tục mở rộng thêm từ 1 đến 2 dây chuyền khép kín như thế, rồi nhân rộng ra tất cả xưởng sản xuất trong nhà máy.
Cần cù, chịu khó, sáng tạo, chị Nguyệt còn có nhiều cải tiến lớn, nhỏ, làm lợi cho doanh nghiệp, trong đó có việc thiết kế jig kiểm tra độ rộng linh kiện cao su, giúp công ty tiết kiệm hơn 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó,  trong các năm 2012 và 2014, chị Nguyệt vinh dự được Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi-lao động sáng tạo.
Chị Nguyệt chia sẻ: “Là doanh nghiệp nước ngoài nên công ty Sumirubber đặc biệt chú trọng khuyến khích người lao động sáng tạo bằng nhiều cơ chế, chính sách khen thưởng hấp dẫn. Điều đó khiến phong trào thi đua, lao động sáng tạo luôn sôi nổi, lan tỏa đến từng bộ phận, từng công nhân. Ở cương vị quản lý chuyền lại là tổ trưởng công đoàn, tôi luôn tích cực tham gia, vừa nâng cao tay nghề, vừa làm động lực, tấm gương để anh chị em công nhân noi theo”. Chị Nguyệt còn tích cực tham gia nhiều hoạt động văn, thể, mỹ do công ty tổ chức như thi cắm hoa, thi hội diễn văn nghệ hay làm “bà bầu” cho đội bóng đá nữ công nhân… “Các hoạt động văn nghệ, thể thao là thời gian lý tưởng để thư giãn đầu óc, phục hồi năng lượng, sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới”- chị chia sẻ “bí quyết” để duy trì sức sáng tạo.
 
 
 
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:1763
Tất cả:03769564
Đang trực tuyến:104

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn