Với sáng kiến “Cải tiến, lắp dựng hệ thống xếp phuy tự động lên giá, tự động xếp phuy lên pallet và quấn màng bảo quản tự động”, anh Dương Hoàng Hiệp, kỹ thuật viên bảo trì Công ty TNHH dầu nhờn Chevron Việt Nam giúp làm lợi cho doanh nghiệp 8,5 tỷ đồng. Qua đó, anh vinh dự nhận Bằng Lao động sáng tạo năm 2018 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Dù đang trong thời điểm dịch bệnh nhưng khí thế lao động tại nhà máy sản xuất dầu nhờn mang nhãn hiệu nổi tiếng Caltex thuộc Công ty TNHH dầu nhờn Chevron Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Vũ) rất khẩn trương. Là một trong những doanh nghiệp có trữ lượng sản xuất dầu nhờn hàng đầu thế giới nhưng nhà máy chỉ có 16 công nhân. Phần lớn dây chuyền sản xuất đều áp dụng công nghệ tự động và bán tự động, giúp giải phóng sức lao động cho công nhân. Trong đó, hệ thống máy đóng gói loại phuy 208 lít được anh Dương Hoàng Hiệp cải tiến từ công nghệ thủ công sang tự động, mang lại nhiều lợi ích.
Anh Hiệp cho biết, theo thiết kế dàn đóng phuy trước đây, khi phuy rỗng đến nhà máy phải hạ nằm xuống bãi và khi đóng hàng cần một công nhân vận chuyển hàng tới bộ cầu lật cho phuy đứng lên và tiến hành điền dầu. Sau đó, phuy lại được ngả nằm rồi được công nhân vận chuyển tới bãi phuy thành phẩm. Như vậy, người công nhân tốn nhiều sức để di chuyển phuy rỗng nặng 16kg từ bãi vào và phải thường xuyên luân phiên đổi người sau mỗi giờ xếp phuy, khi phuy dầu ra ở dạng nằm, có nguy cơ tiềm ẩn trào dầu. Hơn nữa, do quá trình vận chuyển phuy bằng xe nâng dẫn đến tốn nhiều năng lượng, gây khí thải ra môi trường.
Nhận thấy những bất cập, anh Hiệp cải tiến hệ thống xếp phuy tự động. Khi phuy rỗng đến nhà máy, người giao hàng chỉ việc xếp phuy lên sàn nhập phuy rỗng, phuy rỗng tự động được chuyển tới các vị trí được lập trình theo màu, theo kiểu phuy. Khi cần đóng gói, người vận hành chỉ việc lựa chọn trên màn hình cảm ứng, dàn sẽ tự động cấp phuy vào đầu rót theo yêu cầu. Tiếp đến, anh cải tiến hệ thống xếp phuy dầu lên pallet. Sau khi phuy dầu được đóng xong, phuy được di chuyển tới bàn xếp phuy dầu tự động bằng hệ thống băng chuyền. Khi có đủ 4 phuy dầu tới bàn, hệ thống sẽ tự động hạ phuy dầu lên pallet. Cuối cùng, đối với hệ thống quấn màng, anh Hiệp nảy ra sáng kiến pallet chứa 4 phuy dầu được di chuyển đến máy quấn màng bằng hệ thống băng chuyền tự động. Sau khi được quấn màng, pallet được di chuyển tới vị trí chờ để xe nâng nhấc pallet ra khỏi hệ thống đến kho thành phẩm.
Loạt giải pháp trên cơ bản giải quyết những hạn chế của hệ thống đóng gói phuy cũ như giảm thiểu khối lượng công việc vận hành. Người vận hành có thời gian để kiểm soát toàn bộ quá trình đóng gói. Đồng thời, cắt giảm chi phí dầu diesel. Phuy ở dạng đứng nên tránh nguy cơ trào dầu. Dầu được quấn màng bảo quản, tránh bụi trong quá trình tồn kho. Đặc biệt, chi phí chế tạo hệ thống xếp phuy tự động “made in Vietnam” do anh Hiệp cải tiến chỉ tốn 6,5 tỷ đồng, trong khi nếu đầu tư mua máy từ nước ngoài, doanh nghiệp phải bỏ ra 15 tỷ đồng. Sáng kiến giúp tiết kiệm 8,5 tỷ đồng, trở thành một trong những cải tiến tiêu biểu mang lại giá trị kinh tế cao cho công ty.
Tuy nhiên, điều khiến anh kỹ sư tốt nghiệp Khoa Máy, Trường đại học Hàng hải Việt Nam tự hào đó là đã thay đổi định kiến của ban lãnh đạo công ty người nước ngoài đối với người lao động Việt Nam. Anh chia sẻ: “Khi được giao thực hiện dự án, tôi gặp nhiều áp lực. Quản lý của tôi nghi ngờ và nhiều lần hỏi liệu tôi có cáng đáng được hay không...”. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, tinh thần cầu tiến và nhất là trình độ tay nghề được vun đúc suốt 7 năm qua, anh Hiệp chứng minh rằng “trình độ lao động Việt Nam không thua kém với bất kỳ quốc gia nào” bằng sáng kiến trên. Nhiều nhà máy trực thuộc tập đoàn Chevron tại Pakistan, Sri Lanka... cùng bày tỏ mong muốn được chuyển giao công nghệ từ sáng kiến của anh.
Thanh Hà