Gần 20 gắn bó với nghiệp phấn bảng, kiêm nhiệm Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường thủy, thầy Tuấn luôn được sinh viên yêu mến, đồng nghiệp nể phục vì lòng nhiệt huyết, yêu nghề. Ít ai nghĩ rằng, dưới cặp kính cận và vẻ ngoài điềm đạm ấy là trái tim cháy bỏng khát khao giữ sạch môi trường biển. Năm 2015, thầy Anh Tuấn cùng các đồng nghiệp bắt tay thực hiện đề tài. Không quản ngại vất vả, dày công “vào Nam ra Bắc”, trực tiếp khảo sát tại các cảng, cụm cảng lớn, nhỏ trong 4 vùng cảng biển trọng điểm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Sài Gòn… , giúp thầy Tuấn đánh giá chính xác về năng lực thu gom rác, xử lý chất thải của hệ thống các cảng biển ở Việt Nam. Qua số liệu thu thập, thầy Tuấn nhận thấy hạn chế phổ biến ở các cảng biển hiện nay như: công tác tiếp nhận rác thải, xử lý, đưa lên bờ rất ít so với số lượng rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại phát sinh từ số lượng tàu cập cảng. Nhiều cảng không đủ cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng nhu cầu thanh thải tại chỗ của tàu quốc tế. Đơn cử, cảng Hải Phòng- cảng lớn ở miền Bắc, nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải tại chỗ. Tại thời điểm khảo sát chỉ có đơn vị tư nhân tham gia tiếp nhận và xử lý rác thải là Công ty cổ phần Hòa Anh.
“Không chỉ gây khó khăn, bất lợi cho hoạt động của tàu quốc tế, những hạn chế trong việc thu gom rác, xử lý chất thải tiềm ẩn nhiều nguy hại với môi trường nước, làm giảm năng lực cạnh tranh, khả năng mở rộng thị trường của nhiều đơn vị tư nhân muốn tham gia xử lý rác thải, chất thải nguy hại tại cảng”, thầy Tuấn giải thích. Từ những phân tích này, đề tài đề xuất giải pháp kỹ thuật và công nghệ, Theo đó, Cảng vụ hàng hải là “mắt xích” quan trọng, giữ vai trò đầu mối trong quá trình xử lý rác thải, chất thải. Sau khi nhận được thông tin, phân loại rác thải, đơn vị này cần đảm nhận vai trò trực tiếp liên hệ các đơn vị tư nhân để xử lý như hợp tác với Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng để xử lý nước thải, các công ty tư nhân để vận chuyển chất thải rắn đến 7 khu xử lý chất thải rắn cấp thành phố, xử lý ban đầu dầu thải, chất thải nhiễm dầu ngay tại khu bến mới… Đồng thời, Cảng vụ hàng hải cũng chịu trách nhiệm giám sát quá trình xử lý chất thải bảo đảm quy trình, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Thầy Tuấn đề xuất xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại trong khu hậu cần cảng biển thuộc khu bến cảng Nam Đình Vũ với công suất tái chế dầu 6000 tấn/năm, lò đốt chất thải nguy hại có công suất 1 tấn/giờ, xây dựng hệ thống kiểm soát khí VOC từ tàu cho cảng xăng dầu…, nhằm từng bước thực hiện những điều khoản mới theo Công ước quốc tế Mar-pol, tăng sức hấp dẫn của Cảng Hải Phòng với tàu nước ngoài, nhất là khi nước ta bước vào thời kỳ hội nhập.
Đề tài được Hội đồng khoa học Bộ Giao thông- Vận tải nghiệm thu. Ứng dụng vào thực tiễn, đề tài giúp Công ty TNHH Tân Thuận Phong đánh giá nhu cầu và tiềm năng của thị trường cũng như định hướng lĩnh vực sản xuất-kinh doanh về thu gom và xử lý chất thải tại các cảng biển, góp phần làm lợi cho công ty khoảng 150 triệu đồng trong năm đầu và tiếp tục gia tăng lợi nhuận trong nhiều năm tiếp theo. Ông Phạm Ngọc Tuyền, Chủ tịch Công đoàn Trường đại học Hàng hải nhận xét: “Đề tài nghiên cứu của thầy Tuấn có tính ứng dụng cao, góp phần thiết thực vào việc giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động hàng hải tới môi trường biển tại các cảng Việt Nam nói chung, cảng Hải Phòng nói riêng”.