Hải Phòng 17/09/2024

Tiết học “đa phương tiện”

Thứ tư, 09/01/2019

Bài giảng với nhiều hình ảnh, video clip minh hoạ, các trò chơi, câu hỏi tương tác giữa thầy và trò… thổi sức sống mới vào các tiết học về truyền thống lịch sử địa phương. Tiết học thường được coi là khô khan đối với học sinh, nay trở nên hấp dẫn, nhiều cảm xúc.

Ứng dụng bài giảng điện tử
Tiết học giáo dục truyền thống địa phương tích hợp liên môn ngữ văn- lịch sử- địa lý- giáo dục công dân hôm đó tại lớp 8A Trường THCS Lê Khắc Cẩn (xã An Thọ, huyện An Lão) sôi nổi khác thường. Các học sinh được học về nhà thơ yêu nước, tiến sĩ triều Nguyễn Lê Khắc Cẩn, người con của quê hương An Thọ và cũng là danh nhân mà trường các em vinh dự mang tên. Bài giảng điện tử được thiết kế, xây dựng công phu, khoa học trên máy tính và chiếu trên chiếc ti vi treo phía trên bục giảng. Trong đó có các video clip, hình ảnh, bản đồ, đồ họa phong phú kèm lời thuyết minh giới thiệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, lịch sử xã An Thọ; cuộc đời, sự nghiệp của Song nguyên Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn.
Những kiến thức cơ bản về người con ưu tú của quê hương An Thọ được chuyển tải bằng hình thức sinh động, hấp dẫn: ông sinh năm 1833, hai lần đỗ đầu kì thi Hương và thi Hội nên được gọi là Song nguyên Hoàng Giáp. Ông đỗ Á nguyên kỳ thi Đình, được bổ làm quan. Ông sáng tác văn thơ rất tài hoa, phong phú… Bài giảng còn có video clip, ảnh và phim tài liệu về đền thờ Lê Khắc Cẩn ở xã An Thọ, trò chơi tương tác trả lời câu hỏi trắc nghiệm xoay quanh nội dung bài học.
Em Phan Tú Chinh, học sinh trong lớp chia sẻ, nhờ phương pháp chuyển tải nội dung sinh động, em và các bạn tiếp thu bài nhanh và nhớ lâu. Bài giảng không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản về quê hương An Thọ và danh nhân Lê Khắc Cẩn, giúp em hiểu rõ ý nghĩa tên ngôi trường thân yêu mà còn truyền cho em tình yêu, lòng tự hào về lịch sử, truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Bài giảng điện tử được vận dụng trong tiết học nói trên là kết quả đề tài “Đổi mới phương pháp dạy học bằng thiết kế bài giảng điện tử E-Learning trong giáo dục truyền thống địa phương các trường THCS nhằm phát huy năng lực tự học của học sinh” do thầy giáo môn Ngữ văn Phan Trí Tuệ thực hiện với sự giúp sức của hai cộng sự trong trường là thầy Hoàng Văn Cường và cô Đào Thị Cúc.
Nâng cao chất lượng dạy học
Thầy giáo Phan Trí Tuệ tâm sự: “Học sinh hiện nay không thích tìm hiểu lịch sử đất nước cũng như lịch sử, văn học địa phương, nhất là qua những bài giảng truyền thống trước đây, thầy giảng, trò nghe, học sinh thụ động, giáo viên mất nhiều thời gian soạn bài mà hiệu quả không cao. Tôi muốn học sinh ngoài việc học chương trình lịch sử, ngữ văn địa phương do Sở Giáo dục- Đào tạo soạn thảo, còn được học về truyền thống của quê hương mình ở phạm vi làng xã. Tôi thiết kế bài giảng điện tử, mong muốn tạo sự hấp dẫn, cuốn hút học sinh vào bài học”.
Thầy Tuệ dành nhiều tháng ròng để sưu tầm tư liệu, đi thực tế, gặp nhân chứng, tìm di cảo… rồi tập hợp, chọn lọc kỹ lưỡng. Sau đó, mày mò xây dựng bài giảng điện tử bằng phần mềm trên máy tính, tự quay video clip, thu âm lời giảng bằng điện thoại. Không hài lòng với kết quả, nhóm thầy Tuệ lại tìm người, tìm phương tiện, nhờ quay video đẹp hơn, rồi lên Đài Phát thanh huyện An Lão nhờ bồi dưỡng kỹ năng đọc lời thuyết minh, thu âm…
Thầy giáo Nguyễn Sơn Hùng, Hiệu trưởng trường THCS Lê Khắc Cẩn vui mừng cho biết, bài giảng điện tử do thầy giáo Phan Trí Tuệ và đồng nghiệp thiết kế được áp dụng tại tất cả các lớp trong trường từ năm học 2016-2017, đến nay khẳng định hiệu quả rõ rệt trong nâng cao chất lượng học chương trình địa phương. Học sinh hứng thú, tích cực, chủ động tham gia bài học. Các em có thể copy bài giảng vào máy tính, máy tính bảng để xem lại bất cứ lúc nào. Việc ứng dụng bài giảng điện tử này còn giúp nhà trường tiết kiệm hơn 150 triệu đồng (kinh phí đi thực tế, tra cứu, phô tô tài liệu, chụp ảnh…) và 288 giờ (sưu tầm, chuẩn bị tài liệu) của giáo viên trong mỗi năm học. Đây còn là nguồn tư liệu cho các tổ chức, cá nhân muốn tìm hiểu về nhân vật lịch sử Lê Khắc Cẩn.
Bài giảng điện tử này đoạt giải Nhất cuộc thi cấp thành phố Thiết kế bài giảng E-Learning lần thứ nhất, chủ đề “Dư địa chí Việt Nam” năm 2016 và vinh dự lọt vào top 10 sản phẩm dự vòng chung khảo cấp quốc gia.
Với vai trò là thành viên chính thực hiện đề tài trên và thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi” năm 2017, vừa qua, thầy giáo Phan Trí Tuệ được nhận Bằng khen của Liên đoàn Lao động thành phố. Thầy giáo có nhiều học sinh giỏi cấp huyện, học sinh giỏi cấp thành phố qua các năm học, 3 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, hằng năm đều đạt danh hiệu đoàn viên công đoàn xuất sắc./.
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:3034
Tất cả:04958515
Đang trực tuyến:116

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn