Hải Phòng 25/01/2025

Tìm ra cách “soi” chất vàng ô trong thực phẩm

Thứ sáu, 09/11/2018

Tìm ra cách “soi” chất vàng ô trong thực phẩm. Đây là thành công của kỹ sư Lưu Văn Hưng (Phòng Kiểm nghiệm hóa học, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1). Bằng kiến thức, sự sáng tạo và lòng nhiệt tình, chàng kỹ sư trẻ tìm tòi, nghiên cứu phương pháp xác định chất vàng ô trong thực phẩm giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Đề tài được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Anh Hưng cho biết, chất vàng ô có tên là Auramine O, được dùng trong công nghiệp để nhuộm vải, da, giấy, tạo màu cho các loại mực trong in ấn hoặc làm ve quét tường trong xây dựng… Chất này rất độc đối với sức khỏe con người, được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào hàng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, một số người chăn nuôi, người chế biến, kinh doanh thực phẩm bất chấp luật pháp và sức khỏe người tiêu dùng vẫn sử dụng chất vàng ô tạo màu nhiều loại thực phẩm.
Xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tế, là kỹ sư kiểm nghiệm hóa học, anh Hưng trăn trở tìm cách xác định hàm lượng chất vàng ô trong thực phẩm. Anh Hưng đăng ký và được lãnh đạo đơn vị tạo mọi điều kiện thuận lợi thực hiện đề tài khoa học “Xác định hàm lượng Auramine trong thực phẩm (thịt, thực vật) bằng sắc ký lỏng ghép khối phổ LC-MS/MS”. Sử dụng công cụ là máy LC-MS/MS (máy phân tích các chỉ tiêu dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, hoóc môn tăng trưởng, độc tố sinh học…), loại máy hiện đại và có nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết, anh Hưng ngồi “ôm” máy suốt nhiều ngày, tìm tòi, nghiên cứu. Dựa trên đặc điểm, tính chất của chất vàng ô, cơ chế hoạt động của chiếc máy trên, anh phác thảo quy trình phân tích chất này bằng máy. Sau đó, cụ thể hóa và chứng minh bằng các thử nghiệm. Đây là giai đoạn gian nan nhất trong quá trình nghiên cứu. “Tôi cần trả lời được các câu hỏi: Dùng loại dung môi nào phù hợp nhất để tách chiết chất vàng ô từ trong thực phẩm? Điều kiện về môi trường khi tách chiết trong máy (nhiệt độ, điện thế, lượng khí xúc tác…) như thế nào để đạt độ chính xác cao nhất? Trong đó, đối với từng chỉ tiêu, phải tìm được phương án tối ưu nhất” - anh Hưng chia sẻ.
Mỗi chỉ tiêu là nhiều lần thử nghiệm, đánh giá, rút kinh nghiệm, vừa độc lập nghiên cứu, vừa trao đổi đồng nghiệp. Suốt mấy tháng, anh Hưng bận rộn với các phản ứng hóa học, quá trình vật lý… gắn với chất độc vàng ô và chiếc máy phân tích. Không phụ công anh kiên trì làm việc, quá trình thử nghiệm mang lại thành công. Anh Hưng hoàn thiện quy trình phân tích chất vàng ô nhiễm trong mẫu thực phẩm.
Càng phấn khởi, kết quả nghiên cứu của anh Hưng lần lượt được Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Cục Chăn nuôi, Vụ Khoa học- Công nghệ (Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn) áp dụng trong phân tích chất vàng ô trong thực phẩm (thịt, thực vật) và thức ăn chăn nuôi từ năm 2016. Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, công nhận phương pháp phân tích chất vàng ô trong thực phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025: 2005. Các đánh giá đều cho rằng nghiên cứu này giúp phân tích nhanh, chính xác, hiệu quả chất vàng ô trong thực phẩm, góp phần tiết kiệm dung môi, hóa chất, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế và là công cụ đắc lực giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
Kết quả nghiên cứu của anh Lưu Văn Hưng giúp cơ quan quản lý nhà nước tiết kiệm tới 3,15 tỷ đồng mỗi năm trong việc đánh giá thực phẩm có chất vàng ô tại các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu này còn là tiền đề để xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về phân tích chất vàng ô trong thực phẩm. Ngoài đề tài trên, anh Hưng còn tích cực tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác, góp phần vào sự phát triển chung của ngành và đơn vị. Với tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, hằng năm anh Hưng luôn được bình bầu là đoàn viên công đoàn xuất sắc.
 
 
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:2248
Tất cả:05704019
Đang trực tuyến:121

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn