Hải Phòng 17/09/2024

Công đoàn tham gia xây dựng thang, bảng lương tại doanh nghiệp

Thứ tư, 24/01/2018

1. Quy định của pháp luật và văn bản
hướng dẫn xây dựng, chuyển đổi về thang lương, bảng lương
- Chương VI: Tiền lương của Bộ luật Lao động (Điều 93. Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động).
- Nghị định số 49/2013/ NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của BLLĐ về tiền lương. Trong đó quy định cụ thể về nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương, áp dụng mức lương tối thiểu vùng (Điều 7); nguyên tắc xây dựng định mức lao động (Điều 8).
- Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của BLLĐ năm 2012. Trong đó, Chương IV, từ điều 21 – Điều 26 của Nghị định này, hướng dẫn chi tiết về thực hiện chế độ tiền lương của NLĐ tại DN.
- Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 của Bộ LĐ - TB và XH, hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ .
- Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 quy định điều chỉnh mức lương tối thiểu theo vùng năm 2016.
- Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015 của Bộ LĐ – TB và XH, hướng dẫn xây dựng thang, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với NLĐ trong công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Nghị định số 49/2013/NĐ-CP, ngày 14/5/2013 của Chính phủ.
- Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ, quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu.
2. Nguyên tắc khi xây dựng thang lương, bảng lương
- Khi xây dựng thang, bảng lương phải chấp hành quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước, đồng thời căn cứ tình hình sản xuất kinh doanh, khả năng tài chính của DN, nhưng không được thấp hơn quy định của pháp luật và cam kết trong TƯLĐTT.
- Người sử dụng lao động phải xây dựng và quyết định thang, bảng lương cho các loại lao động trong DN, sau khi tham khảo ý kiến của ban chấp hành công đoàn cơ sở.
- Mức lương thấp nhất  (bậc 1) cho lao động làm công việc giản đơn, trong điều kiện bình thường không được thấp hơn lương tối thiểu vùng. Đối với lao động qua đào tạo (kể cả đào tạo tại doanh nghiệp) phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng. Khoảng cách giữa 2 bậc lương liền kề chênh lệch ít nhất 5%.
- Mức lương công việc, chức danh vị trí nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5%; với công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
- Các vị trí ngạch, bậc trong thang lương, bảng lương phải được xem xét khoa học, phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công việc, bình đẳng và khách quan, không phân biệt giới tính, màu da, tôn giáo hoặc vì lý do hoạt động công đoàn đối với NLĐ.
- Việc chuyển xếp lương từ thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định sang thang lương, bảng lương do DN xây dựng phải căn cứ vào chức danh, công việc NLĐ đảm nhận. Đối với người có thành tích, cống hiến, đóng góp nhiều cho DN, khi chuyển xếp lương nếu có vướng mắc thì xem xét, xử lý riêng từng trường hợp cụ thể.
 - Thực hiện đầy đủ thủ tục, hồ sơ gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của DN. Đối với công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương phải báo cáo chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện; đối với công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của Tổng công ty hạng đặc biệt thì đồng thời gửi Bộ LĐ - TB&XH để theo dõi, giám sát.
3. Công đoàn tham gia xây dựng, chuyển đổi thang, bảng lương
Đối với công đoàn cấp trên cơ sở
- Cần cử người theo dõi nội dung này để sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho CĐCS khi có yêu cầu. Trường hợp cán bộ công đoàn cấp trên không có chuyên môn về tiền lương, cần nhờ chuyên gia tư vấn, trợ giúp, qua đó sẽ giúp cho cán bộ của mình trưởng thành.
- Củng cố và phát huy các trung tâm, văn phòng tư vấn, tổ tư vấn pháp luật của công đoàn, phổ biến rộng rãi thông tin, địa chỉ, điện thoại tới CĐCS, để thường xuyên hỗ trợ kịp thời cho CĐCS và NLĐ trong các DN. Khi cần thiết cử cán bộ phối hợp hỗ trợ cùng giúp CĐCS đàm phán, thương lượng những vấn đề phát sinh.
- Công đoàn cấp trên cơ sở cần thống kê các văn bản liên quan, tập hợp đóng quyển, hoặc chia sẻ qua thư điện tử để cán bộ công đoàn cơ sở cập nhật, nắm bắt, khi cần có thể tra cứu, vận dụng để tham gia với người sử dụng lao động, hoặc tư vấn hỗ trợ cho NLĐ có hiệu quả. Tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm nhân rộng những điển hình làm hay, các mẫu thang lương, bảng lương có chất lượng tốt để CĐCS có thể vận dụng.
Đối với công đoàn cơ sở:
- Cử người theo dõi, đọc và nắm vững các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn liên quan về xây dựng, chuyển đổi thang lương, bảng lương tại DN mình; tuân thủ các nguyên tắc, quy trình. Khi tham gia xây dựng, hoặc chuyển đổi cần rà soát việc đánh giá mức độ phức tạp của công việc ở từng ngạch và nhóm công việc, định kỳ rà soát đề xuất sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
- Chú ý kiểm tra số ngạch, bậc trong thang lương, bảng lương, khoảng cách chêch lệch giữa các bậc lương trước hết phải đúng quy định của pháp luật theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP.
Đối với các bảng lương với tính chất công việc đơn giản thì đề xuất thiết kế bậc lương theo thâm niên, để có số bậc lương nhiều hơn.
- Quá trình thương lượng chú trọng vào mức lương thấp nhất (bậc 1) trong thang bảng, lương đạt cao hơn lương tối thiểu, yếu tố độc hại, nguy hiểm và lao động đã qua đào tạo, thời gian nâng bậc, vượt khung...  Nếu quy định “ít nhất” thì CĐCS cần hiểu đó là mức “sàn” nên có thể thỏa thuận nâng lên mức cao cao hơn. Đổng thời cần phải xây dựng quy chế trả lương đi kèm với thang, bảng lương để bảo đảm tính đồng bộ và thuyết phục khi triển khai áp dụng đối với NLĐ.
- Cần lưu ý, tỷ lệ chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề >=5%, là hệ số (hoặc mức lương) bậc sau chia cho hệ số (hoặc mức lương) bậc trước liền kề, chứ không phải hệ số bậc sau trừ cho bậc trước. Mức chênh lệch này không nhất thiết các bậc trong cùng một nhóm, hay trong thang, bảng lương phải bằng nhau. Mức lương cho công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được xác định cao hơn so với công việc tương đương trong điều kiện bình thường, chứ không phải so với mức lương tối thiểu vùng.
- Khi tham gia chuyển đổi thang, bảng lương, xếp lương, CĐCS cần đề xuất nguyên tắc “có lợi hơn cho NLĐ”, tức là: Xếp lương mới của NLĐ không thấp hơn mức lương đã nhận trước chuyển đổi, đề xuất duy trì chế độ nâng lương định kỳ.
- Để góp phần tham gia có hiệu quả, CĐCS cần chia sẻ kinh nghiệm của các CĐCS  khác tại các DN có tính chất công việc và ngành nghề tương đồng để rút ra bài học cho mình, nhất là phương pháp, kết quả thương lượng tập thể có lợi cho NLĐ.
-  Khi tham gia xây dựng, chuyển đổi nên tổ chức lấy ý kiến tập thể NLĐ, nhất là đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm cấp phòng, tổ đội sản xuất, thông báo kết quả thương lượng; giải thích, phản hồi ý kiến của tập thể NLĐ; đề xuất áp dụng thử nghiệm và rút kinh nghiệm trước lúc ban hành chính thức; đồng thời niêm yết công khai thang, bảng lương, phụ cấp lương và quy chế trả lương cho toàn thể NLĐ biết.
 
 

 
Lượt truy cập
Hôm nay:3073
Tất cả:04958554
Đang trực tuyến:120

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn