Hải Phòng 10/09/2024

75 năm Quốc hội Việt Nam, khắc ghi những ấn tượng

Thứ hai, 04/01/2021

Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, Quốc hội Việt Nam không ngừng trưởng thành, đổi mới và phát triển, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế, tạo lập được sự tin tưởng và những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước.

1. Một vài nội dung đặc biệt có giá trị lịch sử của Quốc dân Đại hội Tân Trào
      Quốc dân Đại hội Tân Trào chỉ diễn ra 2 ngày từ ngày 16 đến ngày 17 tháng Tám năm 1945 nhưng có khá nhiều nội dung, tình tiết đặc biệt có giá trị lịch sử, trong đó có hai sự kiện nổi bật nhất.
      Một là, đến những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, Đảng, Bác Hồ đã rất am tường quy trình (trình tự) có tính pháp lý của việc xây dựng một Nhà nước ở một quốc gia. Bác nói, “...chúng ta trước phải có một cái cơ cấu đại diện cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy phải do một toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công cuộc cứu quốc, kiến quốc ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”[1]. Bác đã chỉ ra rằng, trình tự thành lập Nhà nước, trước hết phải có Quốc hội, sau đó mới lập ra Chính phủ, hệ thống chính quyền. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước chưa có chính quyền thì mọi việc đều do Đảng lãnh đạo, “kiêm” tổ chức thực hiện. Việc đầu tiên là phải tổ chức một Đại hội quốc dân, một tiền thân của Quốc hội (một Quốc hội lâm thời). Trong Đại hội này phải lập ra một tổ chức để khi cách mạng thành công thì tổ chức đó sẽ chuyển thành Chính phủ. Như chúng ta đã biết, tất cả những sự trù tính của Đảng, của Đại hội quốc dân đã diễn ra đúng như vậy. Nghĩa là Cách mạng tháng Tám thành công, Ủy ban Dân tộc giải phóng được thành lập trong Đại hội, đến ngày 25/8/1945, Ủy ban về đến Hà Nội, theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban - Hồ Chí Minh, Ủy ban đã được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Có Quốc hội rồi mới có Chính phủ, trình tự này đã được thực hiện rất chuẩn xác, chỉ khác là, tất cả còn ở vị thế “lâm thời”.
      Hai là, Chương trình 10 điểm của Đại hội như một bản Hiến pháp lâm thời. Quốc dân Đại hội đã quyết nghị Chương trình 10 điểm và giao cho Ủy ban Dân tộc giải phóng thi hành:
     1. Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
     2. Võ trang nhân dân. Phát triển Quân giải phóng Việt Nam.
     3. Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tùy từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo.
     4. Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ.
    5. Ban bố những quyền của dân, cho dân: nhân quyền; tài quyền (quyền sở hữu); dân quyền; quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền.
    6. Chia lại ruộng đất cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân.
    7. Ban bố Luật lao động: ngày làm việc 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm.
    8. Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở quốc gia ngân hang.
    9. Xây dựng nền quốc dân giáo dục, chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp, kiến thiết nền văn hóa mới.
   10. Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ[2].
     Vào thời điểm lịch sử tháng Tám năm 1945, chúng ta có thể coi Chương trình 10 điểm trên đây như một bản Hiến pháp tạm thời. Trừ một vài tiểu tiết nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình trước mắt trong thời gian ngắn (trước và sau Cách mạng), tuyệt đại bộ phận các điểm có sự tương ứng với tất cả các bản Hiến pháp trong suốt 75 năm qua, kể cả Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Với Hiến pháp năm 2013, chúng ta vẫn thấy có sự tương đồng, tương ứng: Điểm 1 tương ứng với Chương I - Chế độ chính trị (thể chế Nhà nước); Điểm 2 tương ứng với Chương IV - Bảo vệ Tổ quốc (trong đó có nhân tố quan trọng là lực lượng vũ trang nhân dân); Điểm 5 tương ứng với Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cần phải nói thêm rằng, ngay từ khi ấy, vấn đề nhân quyền đã được Đảng ta đặt ra với tinh thần là một vấn đề cấp bách của thời cuộc chứ không phải đến bây giờ mới nói; các Điểm 4, 6, 7, 8, 9 tương ứng với Chương III - Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Bên cạnh đó, các vấn đề phổ cập giáo dục sơ cấp; xã hội bảo hiểm, đặt lương tối thiểu, cứu tế nạn dân, ban bố luật lao động, nghĩa là những trụ cột chính của an sinh xã hội ngày nay đã được đặt ra thành nhiệm vụ của Cách mạng từ bấy giờ; Điểm 10 tương ứng với đường lối đối ngoại ở Điều 12 Hiến pháp năm 2013.
     Với “Hiến pháp tạm thời” này, Ủy ban Dân tộc giải phóng (Chính phủ lâm thời) có đầy đủ cơ sở pháp lý để hành động, điều hành công việc cách mạng, chính danh, hợp pháp.
    2. Cơ cấu đại biểu Quốc hội là hiện thân sâu đậm của tinh thần đại đoàn kết dân tộc
    
Quốc hội khóa I phân chia cơ cấu đại biểu còn cô đọng, đơn giản, mang tính tổng hợp, chỉ gồm 4 thành phần, đó là: không đảng phái; phụ nữ; công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; dân tộc thiểu số. Thực ra, khi đó chưa có điều kiện tách bạch chi tiết được; do vậy trong 4 thành phần cơ cấu đó có sự dan xen lẫn nhau. Trong 87% số đại biểu là công nhân, nông dân và chiến sĩ cách mạng thì có nhiều đại biểu là người dân tộc thiểu số (đại biểu dân tộc thiểu số chiếm 7,5% tổng số đại biểu), có cả đại biểu phụ nữ; hay là trong số 43% đại biểu không thuộc đảng phái nào thì cũng có đại biểu là nông dân. Quốc hội khóa I có đại biểu của tất cả các vùng, miền; các ngành nghề sĩ, nông, công, thương; đảng phái, không đảng phái; nam, nữ, các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Quốc hội khóa I còn có 50 đại biểu của Việt quốc và 20 đại biểu của Việt cách không qua bầu cử. Đây là một sự kiện vừa có tính sách lược (làm dịu tình hình), vừa có tính chiến lược (tự họ sẽ khẳng định chính họ).
    Quốc hội các khóa về sau càng bảo đảm cơ cấu bao quát được khối đại đoàn kết toàn dân. Đây là một chính sách nhất quán, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng của Đảng, của Nhà nước ta.
    Thực ra, ngay từ Quốc dân Đại hội Tân Trào chỉ có hơn 60 đại biểu nhưng trong cơ cấu đã thể hiện một tinh thần đại đoàn kết tuyệt vời. Theo cơ cấu vùng miền thì Nam Bộ có đại biểu Ung Văn Khiêm, Trung Bộ có Hoàng Hữu Na, Phạm Ngọc Thạch; cơ cấu đoàn thể có Vũ Quang là Thanh niên cứu quốc; Thanh Thúy, Nguyễn Thị Như là Phụ nữ cứu quốc; Văn Tân là Công nhân cứu quốc; cơ cấu dân tộc ít người có Chu Văn Tấn...; đại diện cho nông dân có Trần Đức Thịnh; cơ cấu theo đảng phái chính trị thì đảng Dân chủ có nhiều đại biểu, dẫn đầu là Dương Đức Hiền; cơ cấu trí thức có Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi... Khi ấy, trong điều kiện giao thông liên lạc khó khăn, đi lại qua các vùng địch kiểm soát gắt gao, hết sức phức tạp và nguy hiểm mà cơ cấu đại biểu thực tế của Đại hội đạt được như vậy là khá tiêu biểu và rất tốt đẹp. Nói cách khác, cơ cấu đại biểu Quốc dân Đại hội Tân Trào đã trở thành truyền thống như một “hình mẫu” cho cơ cấu của Quốc hội sau này, truyền thống của một chính sách lâu dài, bền bỉ; đó là đại đoàn kết toàn toàn dân tộc.
    3Đổi mới lập pháp - Một sự kiện ghi đậm dấu ấn:
     
Bước vào công cuộc đổi mới, kinh tế là bước đi đầu tiên. Chúng ta đa từ một nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy (quan liêu, bao cấp) sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước (điều tiết vĩ mô), rồi sau đó cho đến nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự chuyển đổi nền kinh tế này diễn ra với tốc độ nhanh nên hệ thống luật pháp hầu như phải đổi mới hoàn toàn và cũng với tốc độ nhanh chóng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế. Nếu như trong hơn 40 năm của 7 khóa Quốc hội đầu tiên (từ năm 1946 đến đầu năm 1987), Quốc hội chỉ ban hành được 29 luật, thì Quốc hội khóa VIII (1987-1992), khóa đầu tiên bước vào công cuộc đổi mới, trong 5 năm, Quốc hội đã ban hành tới 31 luật; khóa IX, Quốc hội ban hành 41 luật và bộ luật, khóa X là 35 luật, trong đó có các bộ luật lớn: Hình sự và Tố tụng hình sự, Dân sự và Tố tụng dân sự; khóa XI, Quốc hội ban hành 84 luật; khóa XII chỉ có 4 năm, Quốc hội cũng đã xây dựng được 67 luật, đến khóa XIII là 89 luật và khóa XIV hiện nay, từ 2016 đến cuối 2020 cũng đã thông qua được 81 luật. Các văn bản luật được xây dựng trong công cuộc đổi mới, về nội dung khác đến 90-95% so với thời kỳ thực thi nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy.
     Có những đạo luật mà xưa nay chúng ta chưa hề tiếp cận, nhưng nay phải làm như: Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư trong nước. Hai Luật ra đời đi vào hoạt động lại phát sinh những mâu thuẫn, gây nên những bất bình đẳng giữa thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài với thu hút các nguồn đầu tư trong nước; do đó lại phải thống nhất hai luật đầu tư thành một Luật duy nhất, bình đẳng giữa đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước. Tiếp đến là Luật Cạnh tranh, Luật Phá sản (doanh nghiệp)... Đây là những luật mà trước kia trong nền kinh tế kế hoạch hóa chưa hề có. Bởi vậy, chúng ta phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật cùng với đổi mới tư duy kinh tế. Đây cũng là loại công việc nặng nhọc, phải vắt óc, phải “lao tâm, khổ tứ”, phải tham khảo, “tầm chương, trích cú”... nhưng cũng là những kỷ niệm, những ký ức không thể nào quên của người làm luật. Nhìn chung, tốc độ xây dựng luật của Quốc hội trong công cuộc đổi mới đã tăng nhanh; chất lượng, nội dung được bảo đảm, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
     4. Ghi nhớ một hình thức giám sát có hiệu lực và hiệu quả
     
Hình thức giám sát để lại nhiều dấu ấn là chất vấn và trả lời chất vấn. Hình thức giám sát này đã được biến tấu, đổi mới qua nhiều giai đoạn khác nhau với mục đích là ngày càng nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của nó.
     Chỉ tính từ đầu thế kỷ XXI đến nay (20 năm), Quốc hội đã có ít nhất 3 mô hình hoạt động chất vấn:
     Mô hình thứ nhất, mỗi kỳ họp có 3 ngày cho hoạt động chất vấn, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ chọn ra 6 đến 8 chức danh bị chất vấn (mỗi ngày từ 2 đến 3 người trả lời); đại biểu được hỏi (chất vấn) tự do trong phạm vi quản lý, lãnh đạo của người bị chất vấn; sau khi hỏi thì trả lời luôn. Mô hình này, bên cạnh những ưu điểm, chỉ một đại biểu hỏi thôi nên người bị chất vấn tập trung được suy nghĩ vào một chủ điểm, thuận lợi cho việc trả lời; Quốc hội và đại biểu Quốc hội cũng dễ nhận biết năng lực bao quát công việc, trình độ quản lý lĩnh vực và mức độ hài lòng của Quốc hội và cử tri. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này cũng không nhỏ. Phía người chất vấn (đại biểu) thường diễn giải tình hình khá dài dòng rồi mới bật ra được câu hỏi, tiêu tốn rất nhiều thời gian. Phía người bị chất vấn, nhiều trường hợp được dịp “hào hứng kể chuyện thành tích của ngành” dẫn dắt rất lâu mà không đi vào trọng tâm chất vấn...
     Mô hình thứ hai, theo mô hình này, số người bị chất vấn chỉ từ 3 đến 4 người. Hỏi và trả lời theo nhóm vấn đề đã được xác định; đồng thời, thời lượng hỏi và trả lời được xác định là: hỏi 2 phút, trả lời 5 phút (sau này hỏi trong 1 phút, trả lời 3 phút cho mỗi câu và có thể tranh luận trong quá trình đối, đáp. Mô hình này đã đem lại hiệu quả rất cao. Người hỏi buộc phải chọn vấn đề đích đáng để chất vấn và phải gọt dũa câu chất vấn cho rõ ràng và ngắn gọn. Người bị chất vấn cũng phải lựa chọn thông tin và “cô đặc” thông tin để bảo đảm “không bị lố” thời lượng cho phép. Do chất vấn theo nhóm vấn đề nên nhiều vấn đề đi đến được tận cùng và quy được trách nhiệm tương đối rõ đối với người bị chất vấn. Mô hình này có “tuổi thọ” tương đối cao. 
     Mô hình thứ ba, tạm gọi là “mô hính sát hạch tổng thể”, có người gọi là mô hình “ba không” đối với chức danh bị chất vấn (không biết mình có bị trả lời không; không biết đại biểu chất vấn điều gì; không rõ thời gian bị trả lời là khi nào). Bởi vậy tất cả những ai trong diện bị chất vấn đều phải tập trung tư tưởng, theo dõi sát sao trong cả quá trình diễn biến. Nội dung của mô hình này là tái chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn, về các chuyên đề đã chất vấn trọng nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết, chuyên đề của khóa XIII. Nội dung “vắt” qua hai nhiệm kỳ thì hầu như tất cả các vấn đề kinh tế, xã hội đều đã được chất vấn, nay “cày xới lại” trong bối cảnh sắp kết thúc nhiệm kỳ khóa XIV. Đây là một thử thách đối với người bị chất vấn. Mô hình này mới thực hiện được một kỳ họp (kỳ thứ 10, Quốc hội khóa XIV), nhưng đã đạt được những “kỷ lục” chưa từng có: một là, người đứng đầu các cơ quan quyền lực nhà nước đều trả lời chất vấn, đó là Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; hai là, tất cả các thành viên Chính phủ có mặt tại thời điểm bắt đầu chất vấn đều trực tiếp trả lời chất vấn, gồm Thủ tướng, 3 Phó Thủ tướng, 17 Bộ trưởng, Trưởng ngành; ba là, qua hoạt động chất vấn cho thấy rõ những lĩnh vực, những vấn đề bức xúc, trách nhiệm của người đứng đầu những lĩnh vực đó và đặt ra mức độ khẩn trương xử lý của ngành, lĩnh vực như: Tài nguyên và Môi trường (không đánh đổi môi trường lấy kinh tế); Thông tin và Truyền thông (đặt trong điều kiện xây dựng nền kinh tế số); Nội vụ (trong điều kiện sắp xếp bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế); Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ) và các lĩnh vực Tư pháp, Giao thông vận tải; Lao động và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư...; bốn là, mức độ hài lòng của đại biểu, của cư tri cao hơn hẳn so với nhiều kỳ chất vấn trước, nhất là đối với một số bộ trưởng, trưởng ngành, những người nhiều lần phải trả lời chất vấn (theo nhiều cử tri thì “các bác ấy” khá “thuộc bài”). Nói một cách tổng quát thì, mô hình này mới một lần thực thi nhưng hiệu lực và hiệu quả là rõ ràng, nó sẽ được chuyển tiếp cho khóa Quốc hội mới.
      5. Ngay từ thưở ban đầu cơ quan phục vụ đã bộn bề công việc
      
Do công tác phục vụ được bắt đầu từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I nên ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên (02-3-1946) có giá trị lịch sử là ngày mở đầu truyền thống hoạt động của Văn phòng Quốc hội (khi đó là Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội). Với ý nghĩa đó, sau này Nghị quyết số 751/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02-3-2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI đã quyết nghị: “Điều 1. Ngày 02 tháng 3 hàng năm là Ngày truyền thống của Văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
      
Nhiệm vụ đầu tiên tối quan trọng của Văn phòng khi ấy là bảo đảm liên lạc thông suốt với Chính phủ; thực hiện những công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng (in, sao văn bản, phát tài liệu, giao thông lien lạc, tổ chức công tác tài chính; sắp xếp nơi ăn ở cho các đại biểu khi về họp, tổ chức các hội nghị của Ban Thường trực Quốc hội...). Theo bản kê khai lý lịch của các nhân viên phục vụ Ban Thường trực Quốc hội tại hồ sơ số 276 lập ngày 20-6-1947 của Phòng tư liệu Quốc hội thuộc Trung tâm lưu trữ quốc gia III thì số cán bộ nghiệp vụ đầu tiên chỉ gồm: Ông Trần Văn Xoang (tức Trần Thanh Tú); ông Hoàng Viết Sinh (tức Trịnh Hoàng); ông Phạm Văn Tâm; bà Trịnh Thị Phúc, cùng một số nhân viên phục vụ khác, tất cả khoảng 20 người. Đây là những cán bộ được tuyển chọn từ các cơ quan Trung ương và đều là những người có phẩm chất cách mạng, tư cách, đạo đức tốt, tận tâm, tận lực thực thi nhiệm vụ. Họ đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội giải quyết nhiều công việc thiết thực, có hiệu quả, có thể dẫn ra những việc chủ yếu như sau.
     Ngày 16/4/1946, Văn phòng đã tham mưu cho Ban Thường trực Quốc hội tổ chức một phái đoàn gồm 10 đại biểu Quốc hội, do ông Phạm Văn Đồng, Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội dẫn đầu sang công tác tại Pháp, từ 25-4 đến 16-5-1946 với nhiệm vụ làm cho nhân dân Pháp và số đông các chính khách Pháp hiểu rõ cuộc đấu tranh vì độc lập của Việt Nam và mong muốn quan hệ giữa hai dân tộc Việt-Pháp thân thiện trên nền tảng thừa nhận ý nguyện độc lập, thống nhất của Việt Nam.
     Cũng trong thời gian này, ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, quân Pháp vẫn luôn luôn khiêu khích, phá hoại Hiệp định sơ bộ (06-3-1946). Để có cơ sở pháp lý làm căn cứ đấu tranh, Văn phòng đã giúp Ban Thường trực Quốc hội xây dựng văn bản Lời hiệu triệu quốc dân đồng bào với nội dung cơ bản là “chuẩn bị”, “đoàn kết”, “bình tĩnh”, “tránh khiêu khích” nhằm chống lại sự phản bội Hiệp định sơ bộ của quân Pháp. Lời kêu gọi của Ban Thường trực Quốc hội đã được quốc dân đồng bào hưởng ứng nhiệt liệt, tin tưởng và tôn trọng.
     Ngày 03/5/1946, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội thành lập một Đoàn công tác do linh mục Phạm Bá Trực dẫn đầu cùng Chính phủ vào Trung Bộ để giải thích cho đồng bào hiểu rõ chính sách quốc gia liên hiệp của Chính phủ Hồ Chí Minh.
    Tiếp đó, ngày 14/8/1946, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội thành lập một phái đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó có các đại biểu Nguyễn Trí và Dương Văn Dư vào Nam Trung Bộ thăm hỏi các chiến sĩ đang anh dũng chiến đấu trên các mặt trận. Cũng trong thời gian này, Văn phòng còn giúp Ban Thường trực Quốc hội chỉ đạo soạn thảo Bản tuyên ngôn để hiệu triệu quốc dân đồng bào đoàn kết chặt chẽ, đập tan mọi âm mưu chia rẽ dân tộc của địch...
     Chỉ trong 8 tháng (thời gian giữa hai kỳ họp, từ tháng 3 đến tháng 11 năm 1946), Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã tham mưu, phục vụ ba Tiểu ban của Quốc hội xem xét và cho ý kiến vào 98 dự án sắc lệnh do Chính phủ gửi sang. Tuyệt đại bộ phận các ý kiến của Ban Thường trực Quốc hội về các dự án Sắc lệnh đã được Chính phủ tiếp thu (trong đó được tiếp thu nhiều hơn cả là các dự án Sắc lệnh về hội họp, Sắc lệnh về ấn loát, Sắc lệnh về lao động, Sắc lệnh về giáo dục...).
     Mặc dù số lượng cán bộ Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội còn rất ít, trình độ khi ấy cũng còn hạn chế, nhưng ngay từ buổi đầu với tinh thần hăng say cách mạng, anh chị em đã làm việc hết sức tận tụy và có trách nhiệm cao nên đã giúp Ban Thường trực Quốc hội giải quyết thấu đáo nhiều công việc hệ trọng. Bên cạnh những công việc mang tầm cỡ chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại lớn lao thì mọi công việc hành chính, quản trị như văn thư, đánh máy, ấn loát, giao thông liên lạc... đến việc theo dõi tình hình hoạt động của các đại biểu ở các địa phương để giúp Ban Thường trực Quốc hội giữ mối liên lạc, tất thảy đều được thực hiện nghiêm túc, kết quả tốt...
     Đó cũng là tiền đề để Văn phòng các giai đoạn sau học tập, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ Quốc hội trong từng thời kỳ cho tới tận bây giờ./.
 [1] Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7 (1940-1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2000, tr.352-353.
[2] Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1994, tr. 20, 21.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (424), tháng 12/2020.)

Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:1503
Tất cả:04935803
Đang trực tuyến:76

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn