Hải Phòng 07/11/2024

Cần chính sách ưu tiên bảo đảm quyền lợi của lao động nhập cư

Thứ năm, 17/10/2019

Thu nhập thấp, số ngày nghỉ ít, cơ hội học tập nâng cao tay nghề hạn chế. Ngay cả việc tiếp cận với các dịch vụ y tế và giáo dục cũng không bảo đảm. Chưa kể những khó khăn trong thay đổi thói quen giao tiếp, sinh hoạt, tâm lý lao động tạm thời khiến phần đông lao động nhập cư còn nhiều thiệt thòi. Để bảo đảm quyền lợi của những lao động này, điều mà các cấp công đoàn cần có là những chính sách ưu tiên dành cho lao động nhập cư trong mỗi doanh nghiệp và đơn vị sử dụng. Đây chính là căn cứ để công đoàn các cấp làm tốt hơn nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động.

Những khó khăn của lao động nhập cư
          Sự phát triển và tốc độ tăng trưởng của Hải Phòng thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư xây dựng những doanh nghiệp và khu công nghiệp tại thành phố. Thực tế này đặt ra những yêu cầu về lực lượng lao động mà số lao động địa phương hiện có chưa thể đáp ứng. Bởi thế, lao động nhập cư từ các địa phương, vùng, miền trong cả nước chính là “cứu cánh” đối với hoạt động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng. Tuy nhiên, phần đông lao động nhập cư hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn trước hết là sự thay đổi về thói quen, tập tục sinh hoạt và thích nghi với nhịp sống của vùng đất mới.
          Tại hội thảo “Chính sách đối với lao động nhập cư tại thành phố Hải Phòng” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố tổ chức mới đây, lãnh đạo Công đoàn ngành Công thương Hải Phòng cho biết, theo báo cáo từ các công đoàn cơ sở thuộc ngành công thương, tổng số lao động nhập cư làm việc trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thuộc ngành là 4.126 người (chiếm tỷ lệ 9,25% tổng số lao động trong ngành). Số lao động này chủ yếu là lao động phổ thông đến từ các tỉnh lân cận, các tỉnh miền Trung và miền núi Tây Bắc. Phần nhiều trong đó là người dân tộc ít người. Đây cũng là những người gặp nhiều khó khăn trong thay đổi thói quen giao tiếp, sinh hoạt bởi sự khác nhau giữa phong tục, tập quán và cuộc sống hằng ngày.
         Một khó khăn lớn khác mà lao động nhập cư vào Hải Phòng phải đối diện hằng ngày là khó khăn về nhà ở. Theo Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng Phạm Thị Hằng, trên địa bàn thành phố hiện có 1 khu kinh tế và 12 khu công nghiệp triển khai đầu tư, kinh doanh, tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Do đó thu hút lượng lớn người lao động trong nước và ngoài nước có nhu cầu tìm việc làm. Hiện tại, số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố khoảng 110.000 người với gần 3000 chuyên gia nước ngoài. Đông như vậy, trong khi các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp chưa bố trí được quỹ nhà ở dành cho công nhân thuê dẫn đến phần lớn công nhân lao động ngoại thành và các tỉnh lân cận không có chỗ ở ổn định. Hầu hết phải thuê nhà trọ của người dân chung quanh khu công nghiệp với diện tích chật hẹp, điều kiện sinh hoạt không bảo đảm. Chưa kể, “công nhân lao động tại các khu công nghiệp phần đông là lao động phổ thông độ tuổi từ 18 đến 25 nên bên cạnh những thuận lợi cũng nảy sinh nhiều tiềm ẩn, phức tạp về an ninh, trật tự, quản lý lao động trên địa bàn thành phố” - Đại tá Đào Quang Trường, Phó giám đốc Công an thành phố băn khoăn.
        Trên thực tế, thực trạng tiềm ẩn về nguy cơ mất trật tự, an ninh trong lao động nhập cư tại các khu công nghiệp được các ban, ngành chức năng của thành phố đón trước và có những giải pháp kiểm soát để hạn chế. Những khó khăn của lao động nhập cư cũng được gọi tên và nhiều giải pháp, gợi mở được đặt ra nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng của những lao động nhập cư đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố.
Cần chính sách ưu tiên để cân bằng quyền lợi
          Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng áp dụng những chính sách ưu tiên dành cho lao động nhập cư giúp bảo đảm quyền lợi cân bằng với lao động địa phương. Công đoàn Công ty TNHH Regina Micacle của Khu công nghiệp VSIP thương lượng, đề xuất lãnh đạo công ty hỗ trợ tiền xăng xe với người lao động nhà xa hoặc thuê phòng trọ với số tiền 400.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, công ty còn bố trí hơn 200 xe ô tô đưa đón công nhân ở các địa phương lân cận. Công nhân của Công ty TNHH công nghiệp Giầy Aurora của huyện Thủy Nguyễn cũng hỗ trợ công nhân ở trọ mức 500.000 đồng/người/tháng. Hiện số công nhân ở trọ được hỗ trợ là 687 người.
        Để bảo đảm quyền lợi của những lao động nhập cư tại Hải Phòng, đồng thời giảm thiểu những nguy cơ mất an ninh, trật tự liên quan đến đối tượng lao này, Đại tá Đào Quang Trường, Phó giám đốc Công an thành phố kiến nghị, LĐLĐ cần thường xuyên phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại với công nhân lao động trong các Khu công nghiệp. Qua đó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động nói chung và lao động nhập cư nói riêng để từ đó giải quyết các kiến nghị chính đáng của người lao động tập trung vào các vấn đề đang được quan tâm như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, quy hoạch xây dựng nhà ở, nhà văn hóa, khu vui chơi trẻ em, nhà ở xã hội dành cho công nhân, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao… giúp người lao động ổn định cuộc sống. Sự ổn định này sẽ góp phần ngăn ngừa người lao động trẻ tuổi không tham gia các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.
        Bên cạnh đó, lãnh đạo Công đoàn ngành Công thương cũng đề xuất, ngoài các hoạt động hỗ trợ lao động nhập cư hòa nhập với doanh nghiệp và cộng đồng, các cấp công đoàn cần tham mưu với doanh nghiệp và cơ quan liên quan thiết lập các chính sách ưu tiên. Cụ thể, cần có chế độ đặc thù với từng nhóm lao động nhập cư hoặc tất cả lao động nhập cư theo hướng hỗ trợ tài chính để người lao động giảm áp lực chi tiêu hằng ngày, có cơ hội tích lũy, từng bước lập nghiệp, gắn bó làm việc lâu dài với doanh nghiệp. Đây cũng là hướng giải bài toán an sinh xã hội trong tương lai./.
 
        Hải Phòng hiện có 13 khu công nghiệp với 288 doanh nghiệp và hơn 119 nghìn lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ nghề nghiệp chiếm 19,6%. Độ tuổi lao động từ 18 đến 27 chiếm 89%. Số lượng công nhân hằng năm tăng khoăng 15,7% chủ yếu xuất thân từ lao động nông nghiệp và nông thôn. Có 14,02% công nhân lao động trong các khu công nghiệp phải thuê nhà và 11,09% có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, mới có 1 doanh nghiệp (Công ty LG DisPlay) thuộc Khu công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương) xây dựng ký túc xá cho công nhân trong khu công nghiệp Tràng Duệ với tổng số 540 phòng đáp ứng nhu cầu ở của 1.397 lao động trong công ty.
                                                                              (Theo Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng)
  
     Hầu hết công nhân nhập cư đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương đều được hưởng trợ cấp nhà trọ hoặc hỗ trợ xăng xe di chuyển. Riêng Công ty TNHH Đỉnh Vàng còn xây dựng được ký túc xá công nhân với 1.500 phòng phục vụ công nhân lao động nhập cư. Công nhân ở trong ký túc xá còn được hỗ trợ tiền ăn. Khoảng 50% số doanh nghiệp của ngành này còn áp dụng hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, tiền gửi trẻ với nữ lao động mức từ 10.000 đồng đến 70.000 đồng/tháng.
                                                                         (Theo Công đoàn Ngành Công Thương Hải Phòng)
                                                                                                                                                                                                                           Đức Minh
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:465
Tất cả:05404820
Đang trực tuyến:272

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn