Tới dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Trung Kiên - Ủy viên BTV Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế; Nguyễn Anh Tuân - Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố; các đồng chí Thường trực, đại diện lãnh đạo các Ban, VP LĐLĐ TP; đại diện lãnh đạo các phòng, ban Ban Quản lý Khu Kinh tế; Tổng Giám đốc 20 doanh nghiệp Hàn Quốc tại KCN Tràng Duệ.
Công đoàn Khu kinh tế đã có kinh nghiệm thương lượng & ký thành công 02 lần thỏa ước nhóm tại khu công nghiệp Tràng Duệ:
+ Lần 1: năm 2016 gồm 05 doanh nghiệp Hàn Quốc, thời hạn: là 02 năm.
+ Lần 2: thỏa ước đa doanh nghiệp gồm 20 doanh nghiệp Hàn Quốc, được ký vào tháng 6/2019, thời hạn: 03 năm. Các doanh nghiệp tham gia đều nghiêm túc thực hiện các cam kết trong bản thỏa ước.
Trên cơ sở đó, Công đoàn Khu đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-CĐKKT ngày 14/4/2022 về việc thành lập Tổ Thương lượng, ký kết Thỏa ước Lao động tập thể nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, giai đoạn 2022 - 2025 gồm 15 thành viên, giao cho đồng chí Phó Chủ tịch Công đoàn Khu làm Tổ trưởng, cán bộ phụ trách Quan hệ lao động Công đoàn Khu kinh tế là tổ phó, các thành viên còn lại là các chủ tịch công đoàn cơ sở có kinh nghiệm đàm phán, thương lượng tại các doanh nghiệp Hàn Quốc tại KCN Tràng Duệ.
Sau khi thành lập, Tổ thương lượng đã tập hợp danh sách 40 doanh nghiệp Hàn Quốc tại KCN Tràng Duệ, lập nhóm zalo và thực hiện khảo sát ban đầu về tình hình doanh nghiệp. Tổ chức 02 khóa tập huấn về Thương lượng Thỏa ước LĐTT cho 252 cán bộ công đoàn và tổ chức 01 hội nghị nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện chế độ chính sách tại KCN Tràng Duệ.
Trong quá trình thực hiện, Công đoàn Khu Kinh tế thường xuyên trao đổi với các phòng chuyên môn của Ban Quản lý Khu kinh tế để tranh thủ sự hỗ trợ, kịp thời điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. Do đó đã nhiều lần điều chỉnh tiến trình, thời gian của kế hoạch trước những tác động của dịch bệnh Covid-19 và diễn biến của suy thoái kinh tế thế giới.
Cuối tháng 4, Công đoàn Khu kinh tế tiến hành khảo sát, đánh giá lại bản Thỏa ước năm 2019 và xin ý kiến người lao động những nội dung cần bổ sung. Sau hơn 01 tháng lấy ý kiến, Tổ thương lượng đã tổng hợp kết quả sau đó họp phân tích, nhóm các kiến nghị theo từng nội dung, trong đó tập trung kiến nghị chính sách về tiền lương, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi... để đưa vào nội dung thương lượng thỏa ước. Kết quả, đa số người lao động đều cho rằng giữ nguyên nội dung thỏa ước cũ, nhưng một số nội dung như ăn ca, thăm hỏi cần điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến người lao động tại các doanh nghiệp, ngày 06/7/2022, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về nội dung thương lượng Thỏa ước Lao động tập thể nhiều DN Hàn Quốc tại KCN Tràng Duệ (giai đoạn 2022-2025) với sự tham gia của 34 công đoàn cơ sở. Kết quả hội nghị đã biểu quyết thông qua dự thảo nội dung Thỏa ước giai đoạn 2022-2025, kế thừa toàn bộ nội dung thỏa ước giai đoạn 2019-2022, điều chỉnh, bổ sung các nội dung chính như sau:
- Điều chỉnh tăng lên “200% lương cơ bản các ngày nghỉ thứ 7 trong tháng” (Cũ là 150%)
- Điều chỉnh tăng “ít nhất 25.000đ/người/bữa” (Cũ là 21.000)
- Điều chỉnh tăng nội dung thăm tứ thân phụ mẫu tăng lên 500.000đ (cũ 300.000đ)
- Hỗ trợ con nhỏ: 50.000đ/cháu dưới 6 tuổi /tháng (Cũ không có).
Trong quá trình tiếp cận, Tổ thương lượng nhận thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, chiến tranh giữa Nga - Ukraina thực sự đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh; do đó Tổ thương lượng đã tham khảo từ phòng Quản lý lao động và các chuyên gia, sau đó tiến hành làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc để thống nhất quy trình thương lượng. Các bên đã thống nhất sửa đổi hình thức của bản thỏa ước Nhóm doanh nghiệp đã ký năm 2019, chế độ song ngữ, tập trung đảm bảo giữ các chế độ về tiền lương, điều chỉnh lương và một số phụ cấp khác không chỉ đảm bảo có lợi hơn cho người lao động và còn mang tính cam kết thực hiện trong thời điểm tình hình sản xuất kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, chiến tranh giữa Nga- Ukraina kéo dài. Đồng thời quyết định điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với khả năng đáp ứng được của các doanh nghiệp theo hướng: Thỏa ước sẽ là mức sàn thấp nhất, còn trong trường hợp doanh nghiệp đang có các chính sách phúc lợi cao hơn so với thỏa ước này thì ưu tiên thực hiện các nội dung có lợi nhất cho người lao động. Đồng thời đưa ra các phương án với các doanh nghiệp có tính chất sản xuất kinh doanh đặc thù do bị phụ thuộc vào khách hàng lớn như LG.
Trên cơ sở đó, Công đoàn Khu kinh tế đã hoàn thành dự thảo lần 1, tiến hành cho dịch thành song ngữ Việt Hàn. Ngày 25/7/2022, Công đoàn Khu kinh tế gửi công văn số 97/CĐKKT về việc đề xuất nội dung thương lượng Thỏa ước LĐTT nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc giai đoạn 2022-2025 theo bản dự thảo lần 1.
Từ ngày 01/8/2022, Tổ thương lượng đã tiến hành 34 cuộc thương lượng riêng rẽ với từng doanh nghiệp kết quả chỉ có 07 đơn vị đồng ý với tất cả các nội dung đưa ra thương lượng, còn lại các doanh nghiệp đều không đồng ý với lý do khó khăn về kinh tế.
Từ những điều chỉnh đó, Tổ thương lượng quay trở lại để lấy ý kiến người lao động và nhận được sự đồng thuận của người lao động về việc đồng ý chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Sau đó tiếp tục tổ chức 15 cuộc thương lượng riêng rẽ với những doanh nghiệp có các nội dung điều khoản khó khăn nhất để điều chỉnh cho hợp lý. Trong quá trình thương lượng luôn giải thích, thuyết phục, kiên trì, hài hòa với doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Sau các cuộc thương lượng, Tổ thương lượng đã hoàn thành dự thảo Thỏa ước lần 4 để đưa vào Thương lượng. Trong quá trình thương lượng, có một số doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gặp khó khăn xin không tham gia, đến nay số lượng doanh nghiệp tham gia thỏa ước là 30 doanh nghiệp.
Ngày 04/11: Tổ thương lượng đã tiến hành phiên thương lượng chung với sự tham gia của 30 doanh nghiệp, tại cuộc thương lượng này các bên thống nhất đưa ra dự thảo TƯLĐTT lần 05 để tiến hành lấy ý kiến người lao động. Trong đó các bên thống nhất:
+ Điều chỉnh tăng lên “200% lương cơ bản trên các ngày nghỉ thứ 7 trong tháng” (Cũ là 150%).
+ Điều chỉnh tăng “ít nhất 22.000đ/người/bữa” (Cũ là 21.000).
+ Điều chỉnh tăng nội dung tứ thân phụ mẫu tăng lên 500.000đ (cũ 300.000đ)
+ Hỗ trợ con nhỏ chuyển sang khuyến khích để phù hợp với khả năng tài chính của các doanh nghiệp tham gia (Cũ không có).
Từ ngày 05-10/11/2022, Công đoàn Khu kinh Hải Phòng và các Công đoàn cơ sở đã tiến hành lấy ý kiến người lao động với kết quả như sau:
- Số lao động biểu quyết tán thành thỏa ước: 9.374/9.374 người, đạt: 100%
- Số lao động biểu quyết không tán thành: 0 người, đạt: 0%
- Số nội dung không tán thành đạt tỷ lệ trên 50%: Không có
Với việc đồng thuận của 100% người lao động, bản Thỏa ước Lao động tập thể nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại KCN Tràng Duệ giai đoạn 2022-2025 đã đủ điều kiện để ký kết.
Bản Thỏa ước: gồm 10 chương, 24 điều, thời hạn: 03 năm, có 30 doanh nghiệp tham gia, đem lại lợi ích cho 9.374 lao động, với 24 nội dung cao hơn luật có lợi cho người lao động như: Tiền lương tháng 13, thử việc thêm ít nhất 01 phụ cấp, thang lương 10 bậc, hỗ trợ làm thứ 7 ít nhất 200% Lương cơ bản; Thâm niên 50k/tháng hoặc 2-10 triệu đồng/lượt, chuyên cần: 100.000/tháng; Đảm bảo thời giờ làm việc trong tháng ít nhất có 01 tuần làm việc 40h; Nghỉ ngắn giữa ca: 10 phút, nghỉ hè từ 1-3 ngày; Phúc lợi: Ăn ca: 22.000 đồng, Đi lại: 400.000 đồng, Trung thu: 100.000 đồng, 8/3 hoặc 20/10: 50.000 đồng; Thăm hỏi: Kết hôn: 500.000 đồng, phúng viếng bản thân NLĐ: 1-10 triệu, tứ thân phụ mẫu, vợ chồng con: 500.000 đồng; Hỗ trợ công đoàn: CT, PCT: 26h/tháng; Ủy viên, Tổ trưởng, Tổ phó CĐ: 14h/tháng. Bố trí ít nhất 60 phút/lần/năm để tuyên truyền cho người lao động, cam kết đảm bảo việc làm, ưu tiên tái ký HĐ khi hết hạn HĐLĐ, ưu tiên tuyển dụng đào tạo nghề khi DN thay đổi… Chấm điểm sơ bộ theo Hướng dẫn số 1580/HD-TLĐ ngày 21/10/2014 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kết quả đạt được 90/100 điểm, xếp loại A.
(K-B)