Hải Phòng 17/09/2024

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Tấm gương sáng ngời, dấn thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Thứ hai, 11/07/2022

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, là tấm gương sáng chói về người chiến sỹ cộng sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Đồng chí đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng, thành lập Tổng Công hội Bắc Kỳ và tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản. Đồng chí cũng là người sáng lập, đồng thời là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hải Phòng, người sáng lập 02 Chi bộ Đoàn đầu tiên của cả nước…

        * Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
        Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), từ nhỏ đã thấu hiểu cảnh nước mất nhà tan. Sau khi cha qua đời, ông được bạn học của cha là tri phủ nhận làm con nuôi và cho đi học. Sau khi học xong bậc tiểu học, năm 1923, Nguyễn Đức Cảnh được cho đi học tiếp ở Trường Thành Chung Nam Định. Tại đây, Nguyễn Đức Cảnh có điều kiện tiếp xúc, hiểu thêm thực trạng xã hội đương thời và kết bạn với những thanh niên tiến bộ như Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Văn Năng, Đặng Xuân Thiều. Hàng ngày, cùng bạn bè chứng kiến nhiều nghịch cảnh tàn ác, nô dịch của thực dân, phong kiến nên có ý thức căm ghét bọn quan lại thống trị và bè lũ tay sai, Nguyễn Đức Cảnh rất say sưa tìm hiểu hoạt động chống Pháp của các chí sĩ yêu nước như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh[1].
       Năm 1925, Nguyễn Đức Cảnh cùng Đặng Xuân Khu và một số đồng chí khác tham gia cuộc vận động đòi thực dân Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh cũng là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khóa để truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh ở Nam Định. Sau cuộc bãi khóa, Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp đuổi học. Cuối năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh quyết định lên Hà Nội kiếm việc làm tự nuôi sống mình và tìm con đường hoạt động cách mạng. Làm công nhân, cùng đồng cam cộng khổ nên Nguyễn Đức Cảnh thấu hiểu nỗi thống khổ cũng như sớm nhận ra sức mạnh to lớn của đội ngũ công nhân lao động. Tháng 9/1927, Nguyễn Đức Cảnh tham gia lớp huấn luyện chính trị và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Cũng từ đây, Nguyễn Đức Cảnh được trang bị những lý luận cơ bản về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kiên định lập trường của giai cấp công nhân trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sau này. Sau khi về nước, Nguyễn Đức Cảnh được tổ chức phân công làm việc tại bộ phận in ấn, soạn thảo tài liệu tuyên truyền trên cơ sở những lý luận cách mạng đã được học tại lớp huấn luyện chính trị, chuẩn bị nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Tổng bộ Thanh niên và trực tiếp chuyển tài liệu đến các cơ sở nhằm giác ngộ quần chúng cách mạng.
       Từ năm 1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ, được phân công phụ trách khu duyên hải Bắc Bộ. Ngày đêm lăn lộn trong các xóm thợ, nhà máy, xí nghiệp để vận động và giác ngộ công nhân, ngoài việc gây dựng tổ chức Thanh niên, đồng chí rất quan tâm gây dựng tổ chức Công hội trong công nhân. Cuối năm 1928, phong trào đấu tranh cách mạng phát triển đã khá mạnh ở Bắc Kỳ, Nguyễn Đức Cảnh viết tập tài liệu 16 trang với tiêu đề “Tổ chức Công hội” nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tài liệu được tổ chức bí mật in ấn lưu hành rộng rãi trong công nhân cả nước.
        Tháng 3/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng các thành viên tích cực của Kỳ bộ Hội đã tiến hành họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội, thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước. Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, đồng chí tham gia thành lập tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành, phân công phụ trách công tác vận động công nhân và dự thảo thêm một số văn kiện của Đảng.
       Là người được phân công công tác phụ trách vận động công nhân nên đồng chí được Đông Dương Cộng sản Đảng giao nhiệm vụ đứng ra thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã xung phong đi “vô sản hóa” để có điều kiện gần gũi anh chị em công nhân thực sự hoà mình vào phong trào lao động và làm việc của anh em thợ thuyền, công nhân lao động. Người ta thường thấy Nguyễn Đức Cảnh mồ hôi nhễ nhại lúc làm thợ quai búa ở nhà máy cơ khí, cửu vạn khuân vác, lúc lại xuống hầm mỏ khai thác, thực sự hoà mình với công nhân để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho họ, góp phần xây dựng cơ sở. Nguyễn Đức Cảnh đã trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, tuyên truyền giác ngộ lý luận cho công nhân và các tầng lớp cần lao. Trước yêu cầu của phong trào công nhân, ngày 28/7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc Kỳ tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Hội trưởng lâm thời, phụ trách tờ báo Lao động, Tạp chí Công hội đỏ. Ngày 28/7 sau này được lấy làm ngày truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
       * Bí thư Đảng bộ đầu tiên của thành phố Hải Phòng
       Tháng 6/1929, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Chi bộ Đoàn thanh niên cộng sản đầu tiên được thành lập ở Trường Bonnal (nay là Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng) và Chi bộ Đoàn thứ hai được thành lập ở nhà máy Xi măng Hải Phòng. Sau hai chi bộ Đoàn TNCS được thành lập tại Hải Phòng, các tổ chức Đoàn TNCS liên tiếp được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trường Bonnal cũng chính là cái nôi cho các phong trào hoạt động mạnh mẽ của học sinh Hải Phòng từ những năm 1925 - 1926. Sự ra đời của Chi bộ Đoàn đầu tiên gồm 11 đoàn viên, chia thành các tiểu tổ, trong đó có một số học sinh ở trường khác do đồng chí Bùi Đức Thanh làm Bí thư. Hoạt động ngày ấy bắt đầu từ tờ báo in trên đá tên “Thanh niên Cộng sản” để tuyên truyền, giáo dục và thu hút, tập hợp thanh niên học sinh. Các đoàn viên TNCS ở Trường Bonnal hăng hái đi đầu hoạt động, nhất là trong công tác tuyên truyền cách mạng, vận động thanh niên đấu tranh làm đau đầu nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ. Nhà máy Xi măng Hải Phòng và trường Bonnal - Bình Chuẩn nay là trường THPT Ngô Quyền (quận Lê Chân) ngày nay đã trở thành 2 địa danh gắn liền với tên tuổi của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Đảng bộ đầu tiên của thành phố Hải Phòng và đồng chí Nguyễn Văn Linh sau này là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng khóa VI. Trước phong trào cách mạng mạnh mẽ của các lớp đoàn viên, thanh niên và công nhân, học sinh trong giai đoạn này thực dân Pháp đã đàn áp khiến nhiều đoàn viên này đã hy sinh hoặc bị đày ra Côn Đảo.
        Được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, ngày 3/2/1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc). Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự hội nghị. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được chỉ định tham gia Ban Chấp hành Trung ương, cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp là Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng.
       Đến cuối tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử vào tham gia Xứ ủy Trung Kỳ và được hội nghị toàn thể Xứ ủy bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy và phân công phụ trách công tác tuyên huấn, tham gia chỉ đạo phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
        * Tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với dân
        Ngày 9/4/1931, trên đường từ cuộc họp quan trọng của Xứ ủy Trung Kỳ trở về cơ sở, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt. Nguyễn Đức Cảnh bị giải từ Vinh ra Hà Nội, giam tại nhà giam Hỏa Lò và tiếp tục bị tra tấn dã man. Tại phiên tòa đế quốc Pháp xử tù chính trị ở Hà Nội, với lời lẽ đanh thép, Nguyễn Đức Cảnh dùng cả tiếng Việt và tiếng Pháp để lên án chế độ thực dân cướp nước, bác bỏ mọi lời buộc tội của chúng. Mặc dù vậy, ông vẫn bị tòa án thực dân kết án tử hình. Những ngày sống trong xà lim án chém, với khí phách kiên cường của người cộng sản, đồng chí vẫn dành thời gian, tập trung sức viết cuốn “Công nhân vận động”. Trong tác phẩm này, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh một lần nữa khẳng định mục đích của Đảng Cộng sản là làm cách mạng vô sản, phá tan chế độ tư bản, áp bức bóc lột, xây dựng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản.
       Vào lúc 5 giờ sáng ngày 31/7/1932 thực dân Pháp đưa đồng chí lên máy chém tại pháp trường bên bờ sông Lấp. Nguyễn Đức Cảnh hiên ngang bước lên máy chém, lẫm liệt cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ trọn lòng thủy chung, son sắt với Đảng, với dân tộc, vẫn vững một niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng. Sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đã góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, nêu tấm gương sáng ngời cho các thế hệ về sự kiên trung, tinh thần đấu tranh bất khuất của người chiến sĩ cách mạng. Suốt gần một tháng trong lao tù, Nguyễn Đức Cảnh bị tra tấn và hành hạ với đủ những ngón đòn tàn bạo của kẻ thù… Trước những đòn tra tấn dã man, những thủ đoạn xảo quyệt, kể cả dụ dỗ, mua chuộc, Nguyễn Đức Cảnh không hề khuất phục, không khai một lời bền gan, vững chí bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, giữ vững khí tiết người cộng sản.
       Cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tuy ngắn ngủi nhưng rất sôi nổi, phong phú, thấm đượm tinh thần yêu nước và chủ nghĩa cộng sản chân chính tạo tiền đề quan trọng để các thế hệ lãnh đạo sau này tiếp thu và phát triển trên tầm cao mới. Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thái Bình nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đặc biệt gắn bó mật thiết với  Hải Phòng. Khắc ghi công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, 90 năm qua, phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, kiên cường, anh dũng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Phòng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tri ân công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với thành phố Hải Phòng. Hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều trường học, tuyến đường mang tên đồng chí: Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Kiến An), Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (huyện Kiến Thuỵ); đường Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân); tượng đài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được đặt uy nghiêm Cung Văn hoá Lao động hữu nghị Việt Tiệp, đặc biệt là quần thể di tích Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại xã An Đồng, huyện An Dương đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thành ủy Hải Phòng phối hợp khởi công xây dựng hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 111 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục tư tưởng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
        Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hải Phòng và tổ chức Đoàn. Đồng chí là hiện thân của tinh thần yêu nước chân chính, là tấm gương sáng về đạo đức cao quý của người cộng sản, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
 
 

[1] Tài liệu tham khảo: 
- Ban Tuyên giáo Trung ương.
- Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, nhà văn Lê Bính sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Lao động, 2017.
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:3050
Tất cả:04958531
Đang trực tuyến:119

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn