Hải Phòng 02/12/2024

Giám sát thực hiện chính sách có lợi hơn đối với lao động nữ

Thứ hai, 12/11/2018

Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ, nhiều công đoàn cơ sở thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn đối với lao động nữ. Trong đó có những điều khoản như hỗ trợ tiền gửi con trong độ tuổi nhà trẻ, bố trí công việc phù hợp với nữ công nhân, lao động mang thai tháng thứ 7 trở lên... Đó là kết quả bước đầu mà hệ thống công đoàn đang tập trung thực hiện nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng với lao động nữ trên địa bàn thành phố. Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố ĐÀO THỊ HUYỀN trò chuyện với phóng viên báo Hải Phòng cuối tuần chung quanh nội dung này.

- Một trong những nội dung hoạt động của hệ thống công đoàn được nhiều người quan tâm là tham gia giám sát thực hiện các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ. Vấn đề này được triển khai tại Hải Phòng như thế nào, thưa đồng chí?
- Trong các hoạt động chung của hệ thống công đoàn với phương châm hướng về cơ sở, vì quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và người lao động nói chung, các cấp công đoàn thành phố luôn dành sự quan tâm tới lao động nữ. Điều này thể hiện rõ trong việc triển khai sâu rộng thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến cán bộ nữ và lao động nữ trong hệ thống công đoàn Hải Phòng. Theo đó, chúng tôi tập trung tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ và thực hiện Nghị quyết 12b/NQ-BCH ngày 12-7-2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn (khóa 11) về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Để việc thực hiện đi vào hiệu quả thực tế, các cấp công đoàn thành phố tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ trong hệ thống. Đến nay, nhiều công đoàn cơ sở thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể với những nội dung có lợi hơn đối với lao động nữ như hỗ trợ tiền gửi con trong độ tuổi nhà trẻ, tiền nguyệt san, bố trí công việc phù hợp nữ CNLĐ mang thai tháng thứ 7 trở lên... Triển khai chương trình hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc thông qua việc lắp đặt phòng vắt và trữ sữa tại 13 doanh nghiệp đông lao động nữ; phối hợp triển khai thực hiện Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động thông qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp.
- Có nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù lao động nữ thời gian gần đây được quan tâm nhiều hơn song vấn đề bình đẳng giới vẫn là mối băn khoăn tại nhiều đơn vị công đoàn cơ sở. Một số cuộc ngừng việc tập thể hay thiếu đồng nhất trong thương lượng, đối thoại giữa chủ sở hữu lao động và lao động xuất phát từ những chính sách chưa thỏa đáng liên quan đến lao động nữ, nhất là ở những doanh nghiệp nước ngoài. Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
- Phải khẳng định rằng, những năm qua, thành phố có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề. Mỗi năm, hơn 50.000 lượt lao động được giải quyết việc làm. Đặc biệt, khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài tạo việc làm mới hàng vạn lao động. Tuy nhiên, do cơ cấu việc làm chưa hợp lý nên trên địa bàn thành phố còn tình trạng mất cân đối về cung, cầu lao động, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày thiếu hoặc biến động lao động chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Trong đó, không ít lao động nữ gặp khó khăn về công việc. Mặt khác, dù thành phố có chủ trương và triển khai xây dựng nhà ở bán cho người có thu nhập thấp, nhưng với mức thu nhập hiện nay, người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong việc thụ hưởng dự án này. Hầu hết doanh nghiệp, khu công nghiệp không có khu sinh hoạt văn hoá, thể thao dành cho CNLĐ và nhà trẻ, trường mầm non phục vụ việc nuôi dạy, học tập của con người lao động... Vì thế, tuy rằng việc chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn xảy ra ngừng việc tập thể. Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng vi phạm pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Và một phần quan trọng là các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ chính sách đối với lao động nữ và công tác bình đẳng giới, chưa xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, vi phạm các quy trình, quy định về an toàn, vệ sinh lao động...
- Trước thực trạng đó, các cấp công đoàn vào cuộc như thế nào để bảo vệ quyền lợi của lao động nữ?
- Phát huy vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong việc đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, LĐLĐ thành phố chỉ đạo hệ thống công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hằng năm, 98-100% số cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức; số doanh nghiệp nhà nước tổ chức hội nghị người lao động đạt 95-100%; số doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tổ chức hội nghị người lao động đạt từ 67-72%. Trong 5 năm (2013-2018) các cấp công đoàn phối hợp tổ chức tuyên truyền về giới, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình, kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ cho hơn 250.540 lượt người; tổ chức 18 cuộc hội thảo, diễn đàn chuyên đề. Chúng tôi cũng thường xuyên chú ý công tác giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ.  Đồng thời phối hợp kiểm tra về chế độ chính sách tại hơn 1.966 lượt cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Thông qua hoạt động kiểm tra, công đoàn các cấp kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, giải quyết vướng mắc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệ, hướng tới mục tiêu bảo vệ tốt hơn các quyền lợi của lao động nữ hiện nay.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
 
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:3485
Tất cả:05490668
Đang trực tuyến:92

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn