Hải Phòng 07/11/2024

Hải Phòng lập hàng trăm trạm y tế lưu động điều trị F0 tại nhà

Thứ năm, 09/12/2021

Ngày 7/12, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Phương án Cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố.

         Theo đó, Phương án nhằm giảm quá tải hệ thống y tế; tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm COVID-19 được tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất với dịch vụ y tế, chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như vật chất cho người bệnh; đảm bảo người nhiễm COVID-19 (F0) được cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.
         Phương án Cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ ngày 4-10/12/2021: thực hiện thí điểm điều trị F0 đối với 10 trạm y tế lưu động tại 4 xã của huyện Tiên Lãng (Tiên Thắng, Tiên Minh, Toàn Thắng, Vinh Quang) và 5 Trạm y tế lưu động thuộc 2 phường Thượng Lý, Sở Dầu thuộc quận Hồng Bàng; giai đoạn 2 từ ngày 10/12/2021: triển khai thành lập trạm y tế lưu động ở tất cả các quận, huyện còn lại trên địa bàn thành phố. Trước mắt mỗi xã, phường, thị trấn có 01 trạm y tế lưu động. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng quyết định bổ sung 211 trạm y tế lưu động, đảm bảo đủ 1 trạm y tế lưu động/một đơn vị xã, phường, thị trấn để điều trị F0 tại nhà từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
          Cụ thể, về hoạt động của Trạm y tế lưu động sẽ được thiết kế vị trí phù hợp để bình ôxy, thuốc, thiết bị y tế và gắn biển ghi chữ “TRẠM Y TẾ LƯU ĐỘNG” trên các xe máy. Trưởng trạm y tế lưu động là bác sỹ hoặc cán bộ y tế có đủ điều kiện về chuyên môn theo quy định. Chỉ bố trí giường cho cán bộ y tế của Trạm thực hiện nhiệm vụ trực. Cán bộ y tế của Trạm phải có trách nhiệm giữ liên hệ với F0 trong quá trình giám sát, điều trị; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được yêu cầu.
         Phương án cũng nêu rõ đối tượng quản lý tại nhà, các điều kiện đảm bảo quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà; quy trình thực hiện; công tác xét nghiệm; trách nhiệm quản lý và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà.
         Trong đó, tiêu chí người nhiễm COVID-19 quản lý tại nhà là người nhiễm COVID-19 được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi. Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở -20 lần/phút, SpO2>97% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cách mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào. Tuổi từ 1-50 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, không đang mang thai.
         Bên cạnh đó, người nhiễm COVID-19 phải có khả năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…; biết cách đo thân nhiệt, có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc của Bác sỹ; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu, có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính… Trường hợp người nhiễm COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng được các tiêu chí trên.
 
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:196
Tất cả:05404551
Đang trực tuyến:138

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn