Hải Phòng 10/09/2024

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912-2022): Biểu tượng tinh thần đấu tranh bất khuất của người chiến sỹ cộng sản

Thứ hai, 07/03/2022

          Đồng chí Tô Hiệu sinh ngày 7/3/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 1927, Tô Hiệu học tại trường Pháp Việt thị xã Hải Dương và sớm tham gia vào các phong trào yêu nước của học sinh như bãi khoá, truy điệu Phan Chu Trinh, tham gia phong trào đòi thả nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.
         Năm 1928, Tô Hiệu vào Sài Gòn cùng anh trai ruột là Tô Chấn tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng; năm 1929 đồng chí là đảng viên Quốc dân Đảng, hoạt động tại Sài Gòn. Năm 1930 ông bị bắt và kết án 4 năm tù giam và bị đày đi Côn Đảo. Những năm tháng tại Côn Đảo, Tô Hiệu đi theo lý tưởng cộng sản và chỉ một thời gian sau đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1934, Tô Hiệu mãn hạn tù. Trong những năm tháng sống ở quê không bỏ phí thời gian, đồng chí tìm cách liên lạc với Đảng và lao vào hoạt động cách mạng, đồng chí còn vận động bà con thôn, xóm tích cực góp phần xây dựng trường học cho con em.
        Năm 1935, ông được Trung ương điều lên Thái Nguyên để xây dựng cơ sở cách mạng. Sau chuyển về Hà Nội làm Uỷ viên Ban Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ phụ trách tuyên huấn, trực tiếp lãnh đạo phong trào ở Hà Nội. Đồng chí viết bài đăng trên các báo công khai để hướng dẫn công tác và cử cán bộ xuống vùng mỏ hoạt động, nhờ đó phong trào đấu tranh của công nhân mỏ lên mạnh.
        Mùa thu năm 1938, đồng chí được Trung ương Đảng phân công phụ trách miền duyên hải Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Hải Phòng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng phong trào đấu tranh được đẩy lên mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi cải thiện đời sống của công nhân của các nhà máy xi măng, máy điện, máy tơ, máy nước… đạt kết quả. Điển hình là cuộc đấu tranh của 3.000 công nhân nhà máy tơ từ ngày 16 đến ngày 22/4/1939 do Tô Hiệu trực tiếp chỉ đạo khiến bọn chủ đã phải giải quyết toàn bộ yêu sách của công nhân. Cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy tơ Hải Phòng gây được nhiều tiếng vang lớn, được Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang hoạt động ở nước ngoài đặc biệt quan tâm chú ý.
        Ngày 30/5/1939, Tô Hiệu lãnh đạo cuộc đấu tranh chống thuế đèn, thuế nước. Cảnh sát Pháp đã vô cớ đàn áp bắt 72 người, nhờ sự bảo vệ của anh em công nhân bố trí đồng chí trốn thoát được. Thời gian này đồng chí bị bệnh lao phổi nặng, sức khoẻ giảm sút. Xứ uỷ yêu cầu nghỉ chữa bệnh nhưng đồng chí vẫn tha thiết tiếp tục công tác. Tháng 10/1939, Xứ uỷ Bắc Kỳ yêu cầu thành lập các khu Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương và vùng mỏ thuộc khu B (sau đó gọi là liên tỉnh B) trong đó Tô Hiệu trực tiếp làm Bí thư Khu uỷ, xúc tiến ra báo Chiến Đấu, cơ quan tuyên truyền của Khu uỷ khu B. Trước sự đàn áp của thực dân Pháp đối với phong trào cách mạng, Tô Hiệu đã chuyển hướng hoạt động cách mạng từ công khai vào bí mật, tiến hành sàng lọc cán bộ. Trong suốt thời kỳ hoạt động cách mạng của mình ở Hải Phòng, với cương vị Bí thư Khu uỷ khu B Tô Hiệu đã trực tiếp lãnh đạo phong trào.
        Ngày 1/12/1939, Tô Hiệu bị bắt tại một cơ sở in ở Hạ Lý. Bọn giặc đã dung các thủ đoạn tra tấn rất dã man để hòng moi được thông tin của người chiến sĩ cộng sản nhưng ông đều khước từ. Những lúc hồi tỉnh đồng chí lại tuyên truyền anh em trong nhà lao Hải Phòng tiếp tục giữ vững khí tiết cách mạng của người cộng sản, đấu tranh chống lại sự hà khắc của chế độ lao tù thực dân áp bức, tiến hành kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2/1940. Sau đó chính quyền thực dân Pháp đã đưa ông ra xét xử ở toà án Kiến An, kết án 5 năm tù và đưa đi giam giữ tại nhà tù Sơn La. Tại đây đồng chí được bầu làm Bí thư Chi bộ Đảng, tham gia công tác tuyên truyền cách mạng và đấu tranh cùng anh em tù chính trị đòi cải thiện chế độ trong nhà tù. Đồng chí đã cùng với một số anh em tù chính trị cốt cán của nhà tù lãnh đạo quần chúng đấu tranh trong và ngoài nhà tù, Chi bộ nhà tù Sơn La đã quy tụ, đoàn kết được tuyệt đại đa số tù nhân; tổ chức dạy, huấn luyện quân sự; biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng; giáo dục, động viên, tổ chức mọi người đấu tranh, làm thất bại nhiều âm mưu, hành động tàn bạo của kẻ thù. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, cung cấp cán bộ ưu tú cho Đảng trước mắt và lâu dài, cũng như tuyên truyền, vận động thức tỉnh đồng bào các dân tộc Sơn La và cả vùng Tây Bắc đứng lên đấu tranh, khởi nghĩa giành chính quyền.
       Tháng 5/1941, đồng chí Tô Hiệu và Chi bộ nhà tù Sơn La đã quyết định xuất bản tờ báo Suối Reo. Đây là một sự kiện lớn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, cổ vũ động viên anh em tù nhân ở nhà tù Sơn La. Tờ báo ra đời trong điều kiện hoạt động bí mật, viết bằng tay. Nội dung phản ánh các nội dung sinh hoạt của tù nhân trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ tù đày hà khắc của chính quyền thực dân, thể hiện tinh thần, khí phách hiên ngang của người tù cộng sản với lời: “Thu sang hoa cỏ già rồi, Suối Reo lên để cho đời trẻ trung. Thu sang non nước lạnh lùng, Suối Reo lên để cho lòng ta reo...”.
       Là Trưởng Ban huấn luyện, đào tạo, trực tiếp phụ trách công tac tuyên truyền của Chi bộ, mặc dù bệnh lao phổi tàn phá cơ thể, nhưng đồng chí Tô Hiệu vẫn miệt mài viết tài liệu, truyền đạt kinh nghiệm, huấn luyện đảng viên với tinh thần lạc quan cách mạng. Đồng chí nói với anh em trong Chi bộ: “Mình biết chắc mình sẽ chết sớm hơn mọi người, vì vậy mình phải tranh thủ thời gian để chiến đấu phục vụ cho Đảng”. Đồng chí thường ngồi xổm trên bệ xi măng, mặt quay vào tường, hai đầu gối co lên áp vào ngực để nén cho vết thương trong phổi đỡ nhức nhối, vừa viết tài liệu vừa ho, đôi khi ra máu. Cũng chính những ngày này, từ những giọt nước hiếm hoi trong ngục tối, đồng chí Tô Hiệu đã gieo một mầm đào ngay bên ngách xà lim.
        Tháng 2/1944, do sức khỏe của đồng chí Tô Hiệu quá yếu, Chi bộ cử đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư. Chi bộ đã đấu tranh với bọn cai ngục đưa đồng chí vào ở trong một kho xép gần Trại ba gian để tiện chăm sóc và để đồng chí được gần gũi với anh em trong những ngày cuối đời.
       Ngày 7/3/1944, trong vòng tay đồng chí, anh em, đồng chí Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng khi tròn 32 tuổi. Trước khi ra đi, đồng chí đã để lại bức di chúc gửi Chi bộ nhà tù Sơn La, với nội dung phân tích tình hình thế giới cũng như trong nước; nêu sự tất thắng của cách mạng và động viên đồng đội ở lại giữ vững tinh thần đấu tranh, chiến đấu cho đến ngày cách mạng thành công. Đồng chí Tô Hiệu mất, trong niềm tiếc thương vô hạn, Chi bộ nhà tù đã kịp thời chỉ đạo anh em đi lao động bên ngoài nhà tù khắc tấm bia đá có chữ “Tô Hiệu”, bí mật đặt dưới mộ của đồng chí. Nhờ đó, năm 1980 khi khai quật nghĩa địa Gốc Ổi đã xác định chính xác phần mộ của liệt sỹ Tô Hiệu.
         Ngày nay đến thăm Nhà tù Sơn La, nơi đây đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, vẫn còn đó cây đào do đồng chí Tô Hiệu ươm mầm nhân giống trồng lại xanh tươi đầy sức sống trổ hoa mỗi khi Tết đến xuân về đã trở thành biểu tượng sáng ngời cho tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sỹ cách mạng tại Nhà tù Sơn La, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục tinh thần yêu nước cách mạng truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
        Tại Hải Phòng, ghi nhớ công ơn người chiến sỹ cách mạng trung kiên thành phố Hải Phòng đã có tuyến đường Tô Hiệu và đầu tháng 8 năm 1946, Thành ủy quyết định mở Trường Cán bộ Thanh niên mang tên Tô Hiệu (nay là Trường Chính trị Tô Hiệu) một chiến sỹ cộng sản xuất sắc, nguyên là Bí thư Thành ủy Hải Phòng để đào tạo cán bộ cho thành phố. Nhiều đường tại các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam hiện nay như: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà) có nhiều tuyến đường mang tên ông.
       Phạm Đức Mạnh (Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hải Phòng)
      
 
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:1735
Tất cả:04936035
Đang trực tuyến:104

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn