Hải Phòng 12/11/2024

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (02/02/1908 - 02/02/2023)

Thứ tư, 01/02/2023

Nhân dịp kỷ niệm 115 Ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (02/02/1908 - 02/02/2023), Liên đoàn Lao động thành phố trân trọng giới thiệu tới các đồng chí cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ và nhân dân thành phố tiểu sử và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng, Tổng biên tập đầu tiên của Báo Lao động, Chủ tịch đầu tiên của Tổng Công hội Đỏ.

        1. Quê hương, gia đình
       Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, sinh ngày 02 tháng 02 năm 1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước.
Thân sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là cụ Nguyễn Đức Tiết, mẫu thân là cụ Trần Thị Thuỳ, người làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo.
       Cụ Cử Tiết sinh được bốn người con, Nguyễn Đức Cảnh là con thứ 3. Năm lên bảy tuổi, sau khi cha mất, Nguyễn Đức Cảnh được Nguyễn Đạo Quán và Trần Mỹ, bạn học của cha, là tri phủ, nhận làm con nuôi và cho đi học. Nguyễn Đức Cảnh sớm tỏ ra là người có chí, thông minh, được thầy giáo qúy mến và bạn bè nể trọng.
         2. Thời niên thiếu
       Học hết tiểu học ở thị xã Thái Bình, Nguyễn Đức Cảnh sang học trường Thành Chung, Nam Định. Ở đây, Nguyễn Đức Cảnh có điều kiện hiểu thêm thực trạng xã hội đương thời và có thiện cảm, gần gũi với những người bị áp bức bất công. Nguyễn Đức Cảnh kết bạn với những thanh niên yêu nước như Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Văn Năng, Đặng Xuân Thiều…Nguyễn Đức Cảnh và các bạn rất say sưa tìm hiểu và kính trọng những hoạt động chống Pháp của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…
       Cuối năm 1925 đầu năm 1926, cả nước dấy lên phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và tổ chức làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Ở Nam Định, Ban tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh do các cụ nhà nho đứng ra tiến hành, lực lượng nòng cốt tham gia bao gồm công nhân và học sinh. Tham gia Ban lãnh đạo bãi khoá của học sinh hưởng ứng lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh có: Nguyễn Đức Cảnh, Đặng Xuân Khu và Nguyễn Khắc Lượng.
        Nguyễn Đức Cảnh cùng một số học sinh đi diễn kịch ở thành phố Nam Định và thị xã Thái Bình, lấy tiền giúp đỡ đồng bào bị lụt. Sau hoạt động tham gia bãi khóa, Nguyễn Đức Cảnh bị đuổi học. Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội kiếm việc làm, tự nuôi sống mình và tìm đường đến với cách mạng. Nguyễn Đức Cảnh xin vào làm thư ký cho hiệu ảnh, dạy học và gia nhập hàng ngũ công nhân bằng cách trực tiếp lao động làm thợ sắp chữ ở nhà in Mạc Đình Tư (sau này là nhà in Lê Văn Tân).
       3. Cuộc đời cách mạng
      Năm 1927, khi còn là thợ sắp chữ ở nhà in Lê Văn Tân, là một thanh niên yêu nước đang khát khao đi tìm lý tưởng, Nguyễn Đức Cảnh đã tìm đến và gia nhập nhóm “Nam Đồng thư xã”, tổ chức này sau phát triển thành tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng. Tháng 9/1927, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật sang Quảng Châu (Trung Quốc), gặp Tổng bộ “Thanh niên” để thực thi nhiệm vụ mà Quốc dân đảng giao cho. Đến Quảng Châu, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật không gặp được đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhưng vẫn kịp dự lớp học chính trị của Tổng bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng do Hồ Tùng Mậu huấn luyện. Qua học tập, cả hai đều dứt khoát ly khai tổ chức Quốc dân đảng, tự nguyện gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng, chuyển từ lập trường Quốc dân đảng sang lập trường Cộng sản. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh.
     Tháng 2/1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Kỳ bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng cử làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng Hải Phòng, sau đó được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ và Bí thư Khu bộ Hải Phòng gồm (Hải Phòng, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh).
     Ngày 28/9/1928, lần đầu tiên tại Hội nghị Kỳ bộ Hội thanh niên cách mạng Bắc kỳ tại một địa điểm ở chợ Hôm (Hà Nội), vấn đề đưa cán bộ đi “vô sản hoá” được đặt ra và được coi là biện pháp thích hợp để tuyên truyền giáo dục quần chúng, xây dựng tổ chức cách mạng trong công nhân. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Ngô Gia Tự đã đề xuất nhiều ý kiến xác đáng về chủ trương này.
     Ngày 17/6/1929, tại ngôi nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản đảng được thành lập. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Ủy viên.
Ngày 28/7/1929, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời về công tác công vận, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc kỳ tại 15 Hàng Nón (Hà Nội). Đại hội đã định ra nhiệm vụ mới cho phong trào công nhân và thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Hội trưởng lâm thời. Tháng 12/1929, đồng chí Nguyễn Đức cảnh triệu tập Hội nghị Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, quyết định thống nhất các Tổng Công hội địa phương lên Xứ và bầu Ban Chấp hành chính thức. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đề cử đồng chí Trần Văn Lan làm Hội trưởng.
Tháng 8/1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm ba đồng chí, do cấp trên chỉ định: đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Đoài và Nguyễn Hữu Căn làm Uỷ viên.
Ngày 3/2/1930, tại một địa điểm ở Cửu Long (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tháng 2/1930, các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu... triệu tập Hội nghị tại số nhà 42 Hàng Thiếc (Hà Nội) bàn triển khai Nghị quyết Hội nghị Cửu Long và Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng thời cử ra Ban Chấp hành lâm thời. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được giới thiệu vào Trung ương nhưng đã đề cử đồng chí Trần Văn Lan.
Tháng 5/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ.
Cuối tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử vào tham gia Xứ ủy Trung kỳ. Hội nghị toàn thể Xứ ủy đã bầu đồng chí vào Ban Thường vụ Xứ ủy và phân công phụ trách công tác tuyên huấn.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt tại Vinh, bị giam ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội). Trong nhà tù đế quốc, đồng chí vẫn tích cực hoạt động cách mạng. Những ngày tháng cuối cùng của đời mình trong xà lim án chém, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết cuốn sách “Nói chuyện nước Tàu”, tập “Công nhân vận động”…và dồn hết tâm lực để làm tất cả những gì có thể làm được cho sự nghiệp cách mạng.
Ngày 31/7/1932, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị kẻ địch xử chém tại Hải Phòng cùng đồng chí Hồ Ngọc Lân, khi đồng chí 24 tuổi.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Ủy viên Ban Chấp hành kỳ bộ Bắc kỳ và Bí thư Tỉnh bộ “Thanh niên” Hải Phòng, thành lập tổ chức Đảng đầu tiên ở địa phương. Với tư cách là người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hải Phòng, trong những năm tháng khó khăn, đồng chí đã cùng với những đảng viên khác bắt tay vào xây dựng tổ chức chính trị của giai cấp công nhân, đem đường lối của chủ nghĩa Mác – Lenin vào Hải Phòng, giác ngộ tầng lớp công nhân và quần chúng Hải Phòng về lý tưởng giành độc lập cho đất nước, xây dựng XHCN mới và anh dũng hy sinh tại Thành phố Hải Phòng. Đồng chí là người con ưu tú của dân tộc đã nêu cao tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với dân của người chiến sỹ cộng sản trọn đời hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:2515
Tất cả:05431081
Đang trực tuyến:356

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn