Hải Phòng 04/12/2024

Làm thế nào để được nhận trợ cấp sau khi ngừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm?

Thứ hai, 11/11/2024

Khi biết chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng - tương ứng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp 12 năm, rất nhiều người lao động muốn ngừng đóng bảo hiểm thất nghiệp để xin hưởng trợ cấp.

1. Làm thế nào để được nhận trợ cấp sau khi ngừng đóng BHTN trên 12 năm?

1.1 Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (4 điều kiện đủ)

Người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 và các văn bản hướng dẫn. Cụ thể:

(1) Đã chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, trừ 02 trường hợp:

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái luật.

- Đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

(2) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ≥12 tháng trong 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc với trường hợp người lao động tham gia BHTN khi làm việc theo hợp đồng xác định/không xác định thời hạn.

Đã đóng BHTN ≥ 12 tháng trở lên trong 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp người lao động tham gia BHTN khi làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo 01 công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng – dưới 12 tháng.

(3) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc.

(4) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an

- Đi học tập có thời hạn ≥ 12 tháng trở lên

- Phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc

- Bị tạm giam, chấp hành án tù

- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng

- Chết

Như vậy, nếu đáp ứng đủ điều kiện nêu trên bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

1.2 Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm:

(1) Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu

(2) Bản chính/bản sao có chứng thực/bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây:

- Hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đã hết hạn/giấy tờ chứng minh đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

- Quyết định thôi việc;

- Quyết định sa thải;

- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

- Thông báo/thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc;

- Xác nhận của người sử dụng lao động có nội dung cụ thể về:

  • Thông tin người lao động
  • Loại hợp đồng lao động đã ký
  • Lý do, thời điểm chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động

- Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc doanh nghiệp/hợp tác xã bị giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã.

- Trường hợp không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thì thực hiện theo quy trình sau:

  • Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh gửi văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xác nhận đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật/không có người được người đại diện ủy quyền.
  • Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với cơ quan thuế, công an, chính quyền địa phương tiến hành xác minh nội dung đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.
  • Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản trả lời cho về nội dung đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu xác nhận.

- Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định từ 03 tháng – dưới 12 tháng tham gia BHTN: Chuẩn bị giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định theo thời gian nhất định.

(3) Sổ bảo hiểm xã hội.
1.3 Nơi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệpTheo quy định tại Điều 46 Luật Việc làm 2013, trong 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ/hợp đồng làm việc, người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương

Trong 20 ngày kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trường hợp không đủ điều kiện thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.

Việc chi trả trợ cấp thất nghiệp sẽ được thực hiện trong 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
 

2. Người lao động đóng BHTN trên 12 năm được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa bao nhiêu?

Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định:

Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Có thể hiểu, nếu người lao động đóng BHTN >12 năm thì người lao động tham gia bảo hiểm chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp mà không được tính hưởng và bảo lưu thời gian đóng dư.

Theo khoản 7 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp > 36 tháng thì số tháng đóng bảo hiểm còn lại sẽ được bảo lưu làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, dù người lao động có đi làm và đóng BHTN >12 năm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa nhận được cũng chỉ có 12 tháng.

3. Có được tự ngừng đóng BHTN để được nhận trợ cấp thất nghiệp sau 12 năm không?

Nhiều người khi biết rằng chỉ được hưởng 12 tháng thì muốn tự ngừng đóng BHTN để được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên theo quy định, nếu vẫn còn làm việc thì người lao động bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nếu thuộc đối tượng tham gia theo Điều 43 Luật Việc làm chứ không thể tự ngừng đóng BHTN để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Hiện nay, Điều 43 Luật Việc làm quy định:

1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

HAT
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:1498
Tất cả:05497061
Đang trực tuyến:143

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn