Hải Phòng 05/12/2023

Một số thông tin cơ bản về Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thứ năm, 01/04/2021

Bầu cử và ứng cử vào các cơ quan đại diện của Nhân dân là quyền cơ bản của công dân. Qua đó, người dân có thể tham gia vào quá trình quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và từng địa phương. Thông qua việc bầu cử, Nhân dân sẽ lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) để thực hiện quyền làm chủ của mình. Vì vậy, việc lựa chọn những người đảm bảo tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho Nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa chính trị to lớn. Để góp phần giúp cán bộ, đoàn viên, đảng viên, CNVCLĐ thành phố và đặc biệt là cử tri thành phố hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Liên đoàn Lao động thành phố giới thiệu một số thông tin cơ bản dạng Hỏi - Đáp liên quan đến bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

     Câu 1: Thời gian, bối cảnh và ý nghĩa của Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026?
     Trả lời:
    1. Thời gian: Chủ nhật, ngày 23/5/2021.
    2. Bối cảnh: Cuộc bầu cử đại biểu diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố bất ổn mới. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.
     3. Ý nghĩa: Cuộc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đị hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
     Câu 2: Vị trí, chức năng của Quốc hội trong bộ máy nhà nước ta?
     Trả lời:
     1. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
     2. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
     Câu 3: Hội đồng nhân dân có vị trí, vai trò như thế nào trong tổ chức chính quyền địa phương?
     Trả lời:
     1. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
    2. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND.
     Câu 4: Nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND được quy định như thế nào?
    Trả lời:
    1. Nhiệm kỳ của Quốc hội là 05 năm kể từ kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau. Chậm nhất 60 ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong.
     Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội tán thành thì Quốc hội rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.
     2. Nhiệm kỳ của HĐND là 05 năm kể từ kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa sau. Chậm nhất là 45 ngày trước khi HĐND hết nhiệm kỳ, HĐND khóa mới phải được bầu xong.
     Việc rút ngắn hay kéo dài nhiệm kỳ của HĐND do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
    Câu 5: Quyền bầu cử là gì? Quyền ứng cử là gì?
   Tả lời:
    1. Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật trong việc được lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu bầu cử để lựa chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội, HĐND các cấp.
    2. Quyền ứng cử là quyền cơ bản của công dân khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật thì có thể thể hiện nguyện vọng của mình được ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND.
    Câu 6: Nguyên tắc bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành như thế nào?
     Trả lời:
     Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và địa biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
     - Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính doàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật.
     - Nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử bảo đảm tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.
     - Nguyên tắc bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực nhà nước. Cử tri không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư.
     - Nguyên tắc bỏ phiếu kín bảo đảm cho cử tri tự do lựa chọn người mình tín nhiệm mà không bị tác động bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Theo đó, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Cử tri viết phiếu bầu trong khu vực riêng, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử, không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu.
     Câu 7: Quy định việc dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu như thế nào?
     Trả lời:

    Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở sau đây:
    1. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 03 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương.
    2. Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 người.
    Câu 8: Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị hành chính phải đảm bảo tỷ lệ phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng, tuổi trẻ, đại biểu tái cử như thế nào?
Trả lời:

     - Bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là 30% tổng số đại biểu HĐND.
    - Bảo đảm tỷ lệ hợp lý người trong danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương. Quan tâm đến những dân tộc thiểu số trong nhiều khóa chưa có người tham gia vào hoạt động của HĐND.
    - Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) không thấp hơn 15% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND.
    - Phấn đấu đạt tỷ lệ từ 30% trở lên đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 tái cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở cùng cấp.
    Câu 9: Đơn vị bầu cử là gì? Có bao nhiêu loại đơn vị bầu cử trong Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp?
    Trả lời:

    Các cuộc bầu cử phải được tiến hành theo các đơn vị bầu cử. Đơn vị bầu cử là khái niệm chỉ một phạm vi địa lý hành chính tương ứng với một lượng dân cư nhất định để bầu một số lượng đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND xác định.
Theo quy định tại Điều 10 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thì có các loại đơn vị bầu cử sau đây:
    - Đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội: Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội.
    - Đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh: Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử HĐND cấp tỉnh.
   - Đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện: Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện.
   - Đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã: Xã, phường, thị trấn được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã.
    Câu 10: Việc ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử; số đại biểu được bầu tại mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được quy định như thế nào?
    Trả lời:
    1. Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội: Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được tính theo căn cứ số dan, do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh và được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử.
Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá 03 đại biểu.
    2. Đối với bầu cử HĐND: Số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do ủy ban bầu cử cùng cấp ấn định theo đề nghị của UBND cùng cấp và được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử.

     Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND được bầu không quá 05 đại biểu. (Còn nữa).
        (Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng)
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:898
Tất cả:04026083
Đang trực tuyến:61

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn