Hải Phòng 19/01/2025

Một số thông tin cơ bản về Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thứ ba, 06/04/2021

Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục đăng tải một số thông tin cơ bản về Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026

      Câu 10: Việc ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử; số đại biểu được bầu tại mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được quy định như thế nào?
      Trả lời:
      1. Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội: Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được tính theo căn cứ số dan, do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh và được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử.
Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá 03 đại biểu.
      2. Đối với bầu cử HĐND: Số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do ủy ban bầu cử cùng cấp ấn định theo đề nghị của UBND cùng cấp và được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử.
Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND được bầu không quá 05 đại biểu
      Câu 11: Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương được quy định như thế nào?
     Trả lời:
      Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương bao gồm:
      1. Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, Ủy ban bầu cử cấp huyện; Ủy ban bầu cử cấp xã (gọi chung là Ủy ban bầu cử).
      2. Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã (gọi chung là Ban bầu cử).
      3. Tổ bầu cử.
      Câu 12: Ban bầu cử có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?
      Trả lời:
      1. Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử của các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử.
      2. Kiểm tra, đôn đốc việc lập, niêm yết danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử ở các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử.
      3. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc bố trí các phòng bỏ phiếu và công việc bầu cử ở các phòng bỏ phiếu.
      4. Nhận và phân phối tài liệu, phiếu bầu cử cho các Tổ bầu cử chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử.
      5. Nhận, tổng hợp và kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của các Tổ bầu cử; lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử.
      6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử của các Tổ bầu cử và khiếu nại, tố cáo về bầu cử do các Tổ bầu cử chuyển đến; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu HĐND.
      7. Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo hướng dẫn, yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc theo yêu cầu của Ủy ban bầu cử cùng cấp.
      8. Chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội đến Ủy ban bầu cử cấp tỉnh; chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu HĐND đến Ủy ban bầu cử cùng cấp.
      9. Tổ chức thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại (nếu có).
      Câu 13: Tổ bầu cử có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?
      Trả lời:
      1. Phụ trách công tác bầu cử trong khu vực bỏ phiếu.
      2. Bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu.
      3. Nhận tài liệu và phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND từ các Ban bầu cử tương ứng; phát Thẻ cử tri, phiếu bầu cử có đóng dấu của Tổ bầu cử cho cử tri.
      4. Thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử.
      5. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bầu cử và nội quy phòng bỏ phiếu.
      6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử; nhận và chuyển đến Ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND mỗi cấp và các khiếu nại, tố cáo khác không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổ bầu cử.
      7. Kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu HĐND từng cấp để gửi đến các Ban bầu cử tương ứng.
      8. Chuyển biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử và toàn bộ phiếu bầu cử đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu khi kết thúc việc kiểm phiếu.
      9. Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định của các tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên.
      10. Thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại tại khu vực bỏ phiếu (nếu có).
      Câu 14: Những ai không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử?
      Trả lời:
      - Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử.
      - Nếu đã là thành viên của Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử thì người ứng cử phải xin rút khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó chậm nhất là vào ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử.
      - Trường hợp người ứng cử không có đơn xin rút thì cơ quan đã quyết định thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử đó ra quyết định xóa tên người ứng cử khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử và bổ sung thành viên khác để thay thế.
      Câu 15: Những người nào được gọi là cử tri?
      Trả lời:
      Cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – là người có quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày bầu cử, đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.
      Câu 16: Cách tính tuổi công dân để ghi tên vào danh sách cử tri được quy định như thế nào?
      Trả lời:
      Cách tính tuổi công dân được thực hiện như sau:
      - Tuổi của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được ấn định (ngày 23/5/2021). Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào thông tin ghi trong Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử.
      - Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng sinh dương lịch của năm sau.
      - Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.
      Đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Công dân từ đủ 18 tuổi, tức là có ngày sinh từ ngày 23/5/2003 trở về trước thì được xác định là đủ tuổi để được ghi vào danh sách cử tri để bầu cử.
      Câu 17: Những người nào không được ghi tên vào danh sách cử tri?
      Trả lời:
      Khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định những người không được ghi tên vào danh sách cử tri gồm:
      1. Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
      2. Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án.
      3. Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo.
      4. Người mất năng lực hành vi dân sự.
      Câu 18: Thẩm quyền lập danh sách cử tri, nơi niêm yết danh sách cử tri, việc bỏ phiếu ở nơi khác được quy định như thế nào?
      Trả lời:
      1. Thẩm quyền lập danh sách cử tri:
      - Danh sách cử tri do UBND cấp xã lập theo từng khu vực bỏ phiếu.
Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì UBND huyện có trách nhiệm lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu.
      - Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân. Quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương gần khu vực đóng quân có thể được chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Khi cấp giấy chứng nhận, chỉ huy đơn vị phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại đơn vị vũ trang nhân dân bên cạnh tên người đó cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi cư trú”.
      2. Niêm yết danh sách cử tri: Chậm nhất 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri phải niêm yết danh sách đó tại trụ sở UBND cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.
      3. Bỏ phiếu ở nơi khác: Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của UBND cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, UBND cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.
      Câu 19: Cử tri là sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học hoặc là công nhân khu công nghiệp có thể được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở giáo dục hoặc nơi có nhà ở tập trung của khu công nghiệp để tiện cho việc tham gia bỏ phiếu có được không?
      Trả lời:
      Trường hợp trường đại học, cao đẳng hoặc khu công nghiệp được thành lập khu vực bỏ phiếu riêng thì cử tri là cán bộ, giáo viên, sinh viên, công nhân không thường trú hoặc tạm trú trong khu ký túc xá hoặc khu nhà ở tập trung của khu công nghiệp mà có nguyện vọng tham gia bầu cử tại khu vực bỏ phiếu nơi có trường đại học, cao đẳng hoặc khu công nghiệp (để thuận lợi hơn cho công việc và sinh hoạt của bản thân) có quyền xin cấp giấy chứng nhận của UBND cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri (theo Mẫu số 12/HĐBC) để được bổ sung vào danh sách cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh theo khu vực bỏ phiếu mới.
      Câu 20: Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri được thực hiện như thế nào?
      Trả lời:
      Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu thấy có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.
      - Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có cơ quan lập danh sách cử tri.
      - Thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính như sau: Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
      - Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán thụ lý ngay vụ án. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử. Bản án, quyết định đình chỉ vụ án giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri có hiệu lực thi hành ngay. Được sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân không có quyền kháng nghị. Tòa án phải gửi ngay bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án cho đương sự và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. (Còn nữa)
                (Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành ủy)
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:3852
Tất cả:05682259
Đang trực tuyến:130

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn