Câu 21: Những ai không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND?
Trả lời:
Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND gồm có:
- Người chưa đủ 21 tuổi.
- Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
- Người đang bị khởi tố bị an.
- Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
- Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Câu 22: Hội nghị cử tri nơi cư trú giới thiệu người để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành khi tỷ lệ cử tri đảm bảo điều kiện nào?
Trả lời:
Đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và phải bảo đảm số lượng cử tri đạt ít nhất 50% tổng số cử tri được triệu tập.
Đối với nơi cử tri có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải đảm bảo có ít nhất 55 cử tri tham gia hội nghị.
Câu 23: Nguyên tắc, thời gian, hình thức vận động bầu cử tri được quy định như thế nào? Những hành vi nào bị cấm trong vận động bầu cử?
Trả lời:
1. Nguyên tắc vận động bầu cử:
- Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị đó.
- Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
2. Thời gian tiến hành vận động bầu cử: Bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.
3. Hình thức vận động bầu cử:
- Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử.
- Thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
4. Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử:
- Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.
- Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.
- Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
- Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử không được vận động bầu cử cho những người ứng cử. Thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử nói trên không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vận động bầu cử cho những người ứng cử nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng đối với những người ứng cử.
Câu 24: Nguyên tắc bỏ phiếu bầu cử được quy định như thế nào?
Trả lời:
- Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND.
- Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
- Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
- Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện quyền bầu cử.
- Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
- Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khac.
- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri.
- Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.
Câu 25: Hành vi tung tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng.
Câu 26: Hành vi lợi dụng mạng xã hội để bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Câu 27: Hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân liên quan tới bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Câu 28: Số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu tại thành phố Hải Phòng? Số đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử thành phố Hải Phòng?
Trả lời:
1. Tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu tại thành phố là 09 đại biểu. Trong đó:
- Đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở trung ương giới thiệu là 04 đại biểu.
- Đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu là 05 đại biểu.
2. Số đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử thành phố:
Đơn vị bầu cử |
Đơn vị hành chính |
Số đại biểu được bầu |
01 |
- Các quận: Hồng Bàng, Lê Chân
- Các huyện: Thủy Nguyên, Cát Hải, Bạch Long Vỹ |
03 |
02 |
- Các quận: Ngô Quyền, Hải An, Đồ Sơn
- Các huyện: An Dương, Kiến Thụy |
03 |
03 |
- Các quận: Kiến An, Dương Kinh
- Các huyện: An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo |
03 |
Câu 29: Các đơn vị bầu cử trên địa bàn thành phố Hải Phòng; số lượng đại biểu HĐND thành phố được bầu tại các đơn vị bầu cử trên địa bàn thành phố như thế nào?
Trả lời:
1. Tổng số đại biểu HĐND thành phố được bầu: 67 đại biểu.
2. Tổng số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND thành phố: 14 đơn vị.
Đơn vị bầu cử |
Đơn vị hành chính |
Số đại biểu được bầu |
01 |
- 09 phường thuộc quận Hồng Bàng
- 12 xã, thị trấn thuộc huyện Cát Hải
- Huyện Bạch Long Vỹ |
05 |
02 |
- 07 phường thuộc quận Ngô Quyền: Cầu Tre, Vạn Mỹ, Lạc Viên, Máy Tơ, Đông Khê, Gia Viên, Máy Chai |
04 |
03 |
- 05 phường thuộc quận Ngô Quyền: Cầu Đất, Lạch Tray, Đằng Giang, Lê Lợi, Đồng Quốc Bình.
- 06 phường thuộc quận Đồ Sơn |
04 |
04 |
- 12 phường thuộc quận Lê Chân: Cát Dài, An Biên, Trại Cau, Hàng Kênh, Dư Hàng, Hồ Nam, Trần Nguyên Hãn, Lam Sơn, An Dương, Niệm Nghĩa, Nghĩa Xá, Đông Hải |
05 |
05 |
- 03 phường thuộc quận Lê Chân: Dư Hàng Kênh, Kênh Dương, Vĩnh Niệm.
- 06 phường thuộc quận Dương Kinh. |
05 |
06 |
- 08 phường thuộc quận Hải An |
05 |
07 |
- 10 phường thuộc quận Kiến An |
04 |
08 |
- 18 xã và thị trấn Núi Đèo thuộc huyện Thủy Nguyên: Lại Xuân, An Sơn, Kỳ Sơn, Phù Ninh, Quảng Thanh, Chính Mỹ, Hợp Thành, Cao Nhân, Mỹ Đồng, Kiền Bái, Thiên Hương, Thủy Đường, Thủy Sơn, Hoàng Động, Lâm Động, Hoa Động, Tân Dương, Dương Quan |
05 |
09 |
- 17 xã và thị trấn Minh Đức thuộc huyện Thủy Nguyên: Hòa Bình, Kênh Giang, Lưu Kiếm, Liên Khê, Lưu Kỳ, Gia Minh, Minh Tân, Trung Hà, Thủy Triều, Ngũ Lão, Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Tam Hưng, An Lư, Đông Sơn. |
05 |
10 |
- 30 xã, thị trấn thuộc huyện Vĩnh Bảo |
05 |
11 |
- 11 xã, thị trấn thuộc huyện An Lão |
05 |
12 |
- 18 xã, thị trấn thuộc huyện Kiến Thụy |
05 |
13 |
- 21 xã, thị trấn thuộc huyện Tiên Lãng |
05 |
14 |
- 16 xã, thị trấn thuộc huyện An Dương |
05 |