Hải Phòng 16/03/2025

Một vài suy nghĩ về việc quán triệt, triển khai về việc thực hiện NQ 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị

Thứ ba, 02/11/2021

Đào Thị Huyền - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố

           Nhận thức về Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị
         Cán bộ, đoàn viên công đoàn cả nước nói chung, thành phố Hải Phòng nói riêng hết sức vui mừng, phấn khởi đón nhận Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, bởi đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về tổ chức Công đoàn. Trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành Nghị quyết là hết sức có ý nghĩa, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Vì vậy mỗi cán bộ, đoàn viên công đoàn cần nhận thức đúng vị trí, vai trò trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn, giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Đảng Cộng sản Việt Nam.
          Nghị quyết 02 tiếp tục khẳng định, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay. Trải qua hơn 92 năm hình thành và phát triển, sau 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
          Nghị quyết không chỉ khẳng định những thành tựu đáng biểu dương của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong thời gian qua mà còn chỉ ra những hạn chế yếu kém cần khắc phục đó là: “Công tác phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động; chất lượng đoàn viên chưa cao, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở còn hạn chế. Mô hình tổ chức, phương thức tập hợp đoàn viên, người lao động có mặt chậm được đổi mới. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn còn bất cập; nhiều nơi thiếu cán bộ chuyên trách, một bộ phận cán bộ năng lực yếu…Hiệu quả tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên, người lao động chưa cao. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của công nhân, người lao động có mặt còn hạn chế...”
         Thời gian tới, số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước. Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động… Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
         Nghị quyết cũng đồng thời nêu rõ  5 quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và đến năm 2045. Để thực hiện được chỉ tiêu của từng thời kỳ, Nghi quyết đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt nam trong tình hình mới. Đó là: (1) Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở. (2) Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. (3) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới. (4) Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. (5) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn. (6) Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với công đoàn.
          Một số nhiệm vụ cần triển khai để đưa Nghị quyết vào cuộc sống
          Một là, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đoàn viên công đoàn
         Nghị quyết 02 nhận định hiệu quả tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên, người lao động chưa cao. Đây là vấn đề đòi hỏi các cấp công đoàn cần đầu tư quan tâm hơn nữa. Do vậy trong tình hình hiện nay các cấp công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động cho công nhân lao động. Tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức và có biện pháp phù hợp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động đình công trái pháp luật, biểu tình, gây rối, làm mất an ninh, trật tự; thường xuyên nắm bắt, định hướng dư luận trong CNVCLĐ thành phố.

         Tập trung đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục của tổ chức công đoàn phù hợp với điều kiện sống và làm việc của công nhân lao động giúp cho người lao động nhận thức đầy đủ về Công đoàn Việt Nam, quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Giúp đoàn viên, CNVCLĐ nhận thức sâu sắc toàn diện về giai cấp, về Đảng, về Công đoàn Việt Nam và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
          Hai là, Nâng cao trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của cán bộ Công đoàn, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
         Nghị quyết 02 chỉ rõ hạn chế: Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn còn bất cập; nhiều nơi thiếu cán bộ chuyên trách, một bộ phận cán bộ năng lực yếu… Với tinh thần trách nhiệm cao và niềm tự hào về tổ chức Công đoàn Việt Nam khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 02, hơn ai hết mỗi cán bộ Công đoàn phải là tấm gương mẫu mực: “Học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm; Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” trên từng cương vị công tác ở mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nếu cán bộ Công đoàn làm được như vậy, sẽ là tấm gương điển hình để lôi cuốn vận động đoàn viên, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ và thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thực tốt kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn và Thành ủy Hải Phòng về thực hiện Nghị quyết 02. Đây là một trong những biện pháp tuyên truyền hữu hiệu nhất, thực chất nhất và hiệu quả nhất.

          Các cấp Công đoàn cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động, đặc biệt kỹ năng, phương pháp hoạt động Công đoàn.Tập trung xây dựng phương pháp, tác phong làm việc của cán bộ công đoàn, nhất là cấp cơ sở; tăng cường kết nối, hỗ trợ giữa Công đoàn cấp trên với Công đoàn cấp dưới; giữa Công đoàn cơ sở với đoàn viên, người lao động; kiên quyết chống quan liêu, hình thức và bệnh thành tích trong hoạt động Công đoàn.
          Chú trọng bồi dưỡng đào tạo cán bộ Công đoàn cơ sở, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về  trình độ chính trị , hiểu biết chính sách pháp luật  lao động và kỹ năng công tác. Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ Công đoàn. Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS, để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc của công nhân tại các doanh nghiệp có sức hấp dẫn, thu hút người lao động và tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người sử dụng lao động.
          Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới
Nghị quyết 02 nêu rõ hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở trong thời gian qua còn hạn chế. Để làm tốt công tác này trước hết các cấp Công đoàn cần tiếp tục hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy CNVCLĐ làm đối tượng vận động, lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ , xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định tiến bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu hoạt động.

         Công đoàn các cấp căn cứ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động để xác định nội dung và mục tiêu hoạt động. Thường xuyên, chủ động phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo lợi ích, bảo đảm quyền của người lao động, đề xuất thương lượng, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động; kịp thời giám sát, giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, người lao động; tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Hằng năm, tổ chức các chiến dịch đẩy mạnh công tác chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên, người lao động, nhất là vào dịp Tháng Công nhân, Tết Sum vầy, Tháng kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7).
          Tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, CNVCLĐ theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích, quan tâm đến cán bộ công đoàn cơ sở và người lao động trực tiếp; chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả trong các cấp Công đoàn./.
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:2249
Tất cả:05951339
Đang trực tuyến:89

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn