Hải Phòng 21/04/2025

Mục tiêu là bảo vệ quyền lợi bình đẳng của người lao động

Thứ tư, 13/11/2019

Hơn 24% trong tổng số công nhân lao động thành phố là lao động nhập cư. Phần lớn sinh sống trong các khu, dãy nhà trọ thiếu điều kiện, gặp nhiều khó khăn trong các vấn đề liên quan đến dịch vụ công, cơ sở giáo dục đào tạo dành cho trẻ em và bảo đảm an ninh trật tự. Một số phải chịu sự đối xử không bình đẳng trong doanh nghiệp. Thực tế đặt ra yêu cầu cần sớm có những chính sách cụ thể bảo vệ quyền lợi bình đẳng của người lao động nói chung. Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố HOÀNG ĐÌNH LONG trò chuyện với phóng viên Báo Hải Phòng cuối tuần chung quanh nội dung này.

           - Được biết, qua các kỳ Đại hội Đảng bộ 14 và 15, thành phố luôn quan tâm đến vấn đề chất lượng của lực lượng lao động trong đó có nguồn lao động nhập cư. Thực tế, tỷ lệ lao động nhập cư của Hải Phòng hiện nay chiếm tỷ lệ 24% trong tổng số công nhân lao động (CNLĐ) của thành phố, một số lượng không hề nhỏ. Nguồn lao động này chủ yếu đến từ đâu, thưa đồng chí?
          - Theo khảo sát, hiện nay, phần lớn lực lượng lao động nhập cư tại hải Phòng chủ yếu đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung từ Nghệ An, Hà Tĩnh trở ra Bắc bao gồm Hòa Bình, Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Bình, lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Một số lao động tại các huyện lân cận của Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương và chủ yếu có xe đưa đón.

         - Nguồn đến và chất lượng của lao động nhập cư vào Hải Phòng có đáp ứng yêu cầu so với mục tiêu thu hút nhân lực của thành phố?
        - Có một điều đáng mừng, những năm gần đây, số lượng công nhân nhập cư có trình độ học vấn cao hơn so với giai đoạn trước. Phần lớn đều tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, tỷ lệ chưa qua đào tạo nghề còn cao, chiếm khoảng 70%. Số công nhân được đào tạo ngắn hạn tại các doanh nghiệp khoảng hơn 50%. Người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trình độ cao đẳng, đại học, tay nghề cao chiếm tỷ lệ thấp khoảng 30%. Nói như vậy để thấy, chất lượng so với yêu cầu thu hút nhân lực chất lượng cao của thành phố chưa được như mong muốn. Mặc dù vậy cũng là một bước tiến về chất lượng so với trước kia. Một thời gian, lao động nhập cư về Hải Phòng chủ yếu là lao động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động tự do tại quê do việc làm khó khăn, vất vả, thu nhập thấp muốn tìm công việc có thu nhập cao hơn đáp ứng nhu cầu của bản thân và gia đình. Phần lớn muốn thoát ly khỏi nông thôn. Trong đó, lao động nhập cư là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 36,6% gồm các dân tộc Tày, Mường, Thái, Mông, Dao, Nùng, Ê đê, Pà Thẻn, Sán Chỉ… Lao động là người dân tộc Tày có số lượng nhiều nhất, chiếm 52,7%.

        - Nói như vậy có nghĩa là hầu hết lao động nhập cư đều khó khăn. Vậy điều kiện sống và sinh hoạt của họ tại Hải Phòng như thế nào?
       - Vì toàn ở xa đến Hải Phòng làm việc cho nên hầu hết lao động nhập cư phải tự thuê phòng trọ để ở. Các khu nhà trọ được hình thành tự phát chung quanh các doanh nghiệp lớn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các khu nhà trọ đều do người dân tự xây dựng, không theo tiêu chuẩn quy định, chủ yếu là nhà cấp 4 thành dãy nhà, liền tường, diện tích chật hẹp, ẩm thấp, nóng, thiếu ánh sáng, không khí, không bảo đảm vệ sinh môi trường. Để hỗ trợ lao động nhập cư có nơi ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất, UBND thành phố bố trí một số địa điểm với tổng diện tích đất gần 160ha để xây nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Một số doanh nghiệp cũng xây nhà ở bán trả góp cho CNLĐ hoặc cho công nhân thuê nhưng số lượng không nhiều. Hiện thành phố đang phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Tràng Duệ với diện tích khoảng 4,5ha. Sau khi hoàn thành, một số lao động nhập cư đến Hải Phòng sẽ bớt nỗi lo về nơi ở.
          - Trước khi có những nơi ở mới do thành phố và hệ thống công đoàn đầu tư xây dựng, người lao động nhập cư vẫn phải ở trọ. Trong khi khu vực nhà trọ nơi lao động nhập cư sinh sống luôn là điểm nóng về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội. Thành phố và LĐLĐ có giải pháp gì bảo đảm an toàn với người lao động nơi sinh sống?
        - Riêng về vấn đề này, thành phố triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an ninh trật tự cho các khu công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, theo phản ánh của công nhân và cán bộ chính quyền địa phương, tại các khu tập trung đông CNLĐ nhập cư sinh sống tồn tại khá nhiều các tụ điểm phức tạp ẩn chứa các tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề, tín dụng đen, ma túy… Bên cạnh đó còn có những vướng mắc chung quanh dịch vụ hành chính công liên quan đến lao động nhập cư. Con em CNLĐ nhập cư cũng gặp khó khăn để được tham gia các nhóm trẻ, trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học… Số lượng trường, lớp chưa đáp ứng được nhu cầu của phần lớn lao động nhập cư. Việc làm thủ tục nhập học chi phí cao hoặc việc chỉ nuôi giữ trẻ trong giờ hành chính, không trông giữ trẻ ngoài giờ là khó khăn lớn với CNLĐ.
         - Không chỉ khó khăn trong sinh hoạt và nơi ở, có ý kiến phản ánh trong một số doanh nghiệp xuất hiện sự phân biệt đối xử về các chế độ giữa lao động địa phương và lao động nhập cư. Đồng chí nói sao về vấn đề này?
       - Đúng là có hiện tượng bất bình đẳng trong các điều kiện lao động liên quan đến vấn đề tiền lương, làm thêm giờ, đối xử, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, thời gian nghỉ ngơi, chế lộ phúc lợi và quyền đại diện còn bất cập. Đặc biệt với lao động nhập cư nữ, phần lớn làm việc trong điều kiện vất vả, quá sức. Nhiều công nhân nữ vừa lập gia đình vừa lo ngại về tình trạng sức khỏe sinh sản của bản thân. Bên cạnh đó, việc thực thi chế độ, chính sách, pháp luật đối với lao động trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay đang là một khâu yếu. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với CNLĐ chưa được quan tâm thường xuyên, đúng mức và chưa xử lý kịp thời các vi phạm. Song hiện nay, trước tình trạng thiếu lao động, các doanh nghiệp cũng có những chính sách để thu hút lao động như hỗ trợ tiền thuê phòng trọ, tiền gửi trẻ, tiền xăng xe, hỗ trợ chuyến xe, vé xe cho người lao động ở xa về quê ăn Tết…
        - Thời gian tới, công đoàn sẽ có giải pháp hỗ trợ gì để bảo đảm quyền và lợi ích của lao động nhập cư đang sinh sống và làm việc tại thành phố?
       - Một điều đáng tiếc là, đến nay vẫn chưa có chính sách cụ thể dành cho lao động nhập cư nói chung, lao động ngoại tỉnh nói riêng được nghiên cứu, ban hành đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Trong khi lực lượng lao động nhập cư trong các khu công nghiệp ở Hải Phòng gia tăng theo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sự gia tăng này kéo theo nhiều vấn đề về quản lý và thực hiện các chính sách xã hội cần giải quyết. Là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, hệ thống công đoàn tích cực tham mưu với cấp, ngành và cơ quan chức năng sớm có những điều kiện, chính sách giúp bảo đảm cuộc sống ổn định, lâu dài của lao động nhập cư như chỗ ở, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, việc học hành và khám chữa bệnh của trẻ em; sớm xây dựng thiết chế công đoàn tại khu công nghiêp Tràng Duệ. Cùng với đó, chúng tôi chỉ đạo các cấp công đoàn luôn tâm niệm coi công nhân nhập cư làm việc tại Hải Phòng là công dân của Hải Phòng; phối hợp với doanh nghiệp tăng cường xây dựng đời sống văn hoá trong công nhân ở trọ, quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, để gia đình họ có chỗ vui chơi, giải trí sau những ngày làm việc mệt nhọc. Chúng tôi đặt mục tiêu bảo vệ bình đẳng, không phân biệt lao động địa phương hay lao động nhập cư. Quyền lợi của người lao động là như nhau đối với các chế độ, chính sách do công đoàn thực hiện.
         - Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:6764
Tất cả:06227361
Đang trực tuyến:205

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn