Việt Nam hiện có hàng trăm loại mạng xã hội khác nhau. Hầu hết các mạng xã hội lớn tại Việt Nam đều là các mạng xã hội của các công ty nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào nước ta. Facebook vẫn là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, tiếp đến là Zalo, Youtube, Facebook Messenger, TikTok, Instagram, Mocha, Google+, LINE, Flickr, Pinterest. Bên cạnh đó còn có các ứng dụng nhắn tin có độ bảo mật cao như Telegram, Mocha, Viber, Skype, Whatsapp. Lợi dụng internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch đã lập hàng nghìn trang web, blog, hàng trăm loại báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việt (như “Tiếng nói thống nhất dân chủ”, “Hồn Việt”…), tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước… để xuyên tạc, nói xấu chế độ. Chúng núp dưới chiêu bài “nhân quyền”, “dân chủ”, “dân oan”, “dân tộc”, “tôn giáo”, “chủ quyền lãnh thổ”, cổ xúy đa nguyên, đa đảng... để xúi giục, kích động, gây nghi ngờ, tâm lý bất mãn, bức xúc trong dân chúng, làm mất ổn định xã hội, tiến tới bạo loạn, lật đổ chính quyền.
Qua theo dõi từ thực tế, các lĩnh vực mà những thế lực phản động, chống đối thường tập trung khoét sâu là: Xuyên tạc và phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin; xuyên tạc hình ảnh lãnh tụ và tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc các chính sách liên quan về tôn giáo; xuyên tạc các vấn đề dân chủ, nhân quyền; xuyên tạc các vấn đề về dân tộc; lợi dụng một số sai sót, yếu kém trong quản lý, điều hành của chúng ta để khoét sâu, thổi phồng rồi phủ định sạch trơn đường lối, chính sách của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước; giả mạo các tài khoản của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để tung tin xấu độc, tạo khoảng trống niềm tin trong dư luận; bịa đặt, tung tin giả gây chia rẽ nội bộ, mất ổn định xã hội.
Theo thống kê, đã có hàng nghìn hội nhóm phản động mới xuất hiện trên mạng xã hội, đáng chú ý là: “Việt Tân”, “Dân Luận”, “Pháp luân công”, “Hóng biến”, “Việt Nam Cộng hòa”; các trang phản động, như: “Người Việt Online”, “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo”… Trung bình 1 tháng, các thế lực thù địch phát tán hơn 130.000 bài viết, video xuyên tạc lên internet, mạng xã hội (tin giả, xấu độc chiếm trên 50%). Trong đó, có hơn 80.000 bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook, chiếm 67% và khoảng 40.000 bài viết, video xuyên tạc từ các kênh mạng xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động. (Theo số liệu thống kê tại dangcongsan.vn)
Ngoài ra, các tổ chức phản động còn triệt để khai thác tính năng “phát trực tuyến” của Youtube và Facebook làm công cụ phát tán thông tin xấu độc. Chúng sử dụng các đối tượng phản động tại chỗ, hoặc cử người đến địa bàn có vụ việc “nóng” xảy ra, để đăng tải video trực tiếp lên mạng xã hội với nội dung xuyên tạc thông tin, gây hoang mang trong dư luận. Các tổ chức phản động còn tổ chức theo dạng Group Facebook, lợi dụng các tính năng cộng đồng, tính bảo mật để xây dựng lên các diễn đàn trao đổi, phát tán thông tin phản động hay tạo các nhóm bí mật để liên lạc, lên kế hoạch biểu tình, chống phá chế độ. Đáng chú ý, cứ “đến hẹn lại lên”, mỗi khi chuẩn bị diễn ra Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội thì sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng quyết liệt, trắng trợn hơn.
Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (gọi tắt là Nghị quyết số 35-NQ/TW). Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thành ủy Hải Phòng cũng đã ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó đề ra mục tiêu, hoạch định rõ nội dung, giải pháp và tiến độ thực hiện; đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng là một trong số 25 đơn vị triển khai thí điểm “xây dựng lực lượng nòng cốt đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” tại các doanh nghiệp có từ 1.000 đoàn viên trở lên.
Xuất phát từ thực tiễn trên, việc tìm ra các giải pháp để nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, góp phần tham mưu hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết trong mảng công tác tuyên giáo công đoàn.
* Nhóm giải pháp về chủ trương, đường lối, xây dựng lực lượng:
Kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo: Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết; Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo LĐLĐ thành phố; Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo LĐLĐ thành phố; Phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo LĐLĐ thành phố; Kế hoạch xây dựng lực lượng nòng cốt tại cơ sở; Kế hoạch triển khai công tác năm 2021; Danh sách phân công viết bài cho các thành viên Ban Chỉ đạo LĐLĐ thành phố…
Tích cực cung cấp hồ sơ, hướng dẫn các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thành lập Ban Chỉ đạo cấp mình, đối với các CĐCS có từ 500 đoàn viên trở lên thành lập Nhóm nòng cốt tại đơn vị. Kịp thời nắm bắt, theo dõi và kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo LĐLĐ thành phố, phối hợp với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở định hướng tư tưởng, tâm trạng của đoàn viên, CNVCLĐ trước những vụ việc nổi cộm, những luồng thông tin không chính thống gây hoang mang dư luận.
* Nhóm giải pháp vận dụng thế mạnh phương thức truyền thông sẵn có:
Hiện tại, Liên đoàn Lao động thành phố đang áp dụng một số phương thức truyền thông cơ bản để lan tỏa thông tin với phương châm “Lấy cái đẹp để dẹp cái xấu” tới các cấp công đoàn và cộng đồng xã hội:
- Truyền thông qua hệ thống báo, đài: Tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương lan tỏa các thông tin hoạt động, sự kiện, gương cán bộ công đoàn, đoàn viên xuất sắc tiêu biểu của các cấp công đoàn thành phố; góp phần tạo hiệu ứng tốt trong đoàn viên, CNVCLĐ và cộng đồng xã hội. Trong năm 2021, đã có hàng trăm tin bài về phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn thành phố được đăng tải trên các báo, tạp chí và xây dựng, triển khai thành phóng sự phát trên VTV1, Thông tấn xã Việt Nam và Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.
- Truyền thông qua các sản phẩm trực quan: Triển khai các sản phẩm tuyên truyền trực quan: Bản tin Lao động và Công đoàn (năm 2021 đã tham mưu phát hành 3.000 cuốn Bản tin Lao động và Công đoàn); Áp phích phòng chống dịch bệnh Covid-19; Tờ gấp tuyên truyền về Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; hệ thống băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở Cơ quan; mẫu nội dung tuyên truyền về các ngày lễ, dịp kỷ niệm trọng đại của thành phố và đất nước gửi thống nhất trong các cấp công đoàn thành phố…
- Truyền thông qua mạng internet: Liên đoàn Lao động thành phố đang áp dụng tuyên truyền qua các nền tảng Cổng thông tin điện tử Liên đoàn Lao động thành phố; Fanpage Công đoàn Hải Phòng; Kênh Youtube Công đoàn Hải Phòng. Trong năm 2021, đã chia sẻ hàng nghìn tin bài, hình ảnh, video về phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn các cấp. Xây dựng các sản phẩm truyền thông phù hợp với các nền tảng truyền thông qua mạng internet như: infographics; retro; rao sóng; video clip… Triển khai các cuộc thi online trên mạng xã hội…
- Truyền thông bằng hình thức tuyên truyền miệng:
Tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền với nhiều nội dung phong phú, góp phần giúp đoàn viên, CNVCLĐ quan tâm, hiểu và ủng hộ các hoạt động của tổ chức công đoàn: tuyên truyền kỹ năng lái xe an toàn và thay dầu xe miễn phí; tuyên truyền về pháp luật lao động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, tuyên truyền về chế độ chính sách liên quan tới lao động nữ, điểm mới của Bộ luật Lao động 2019…
- Truyền thông bằng việc tổ chức các hoạt động sáng tạo nhằm quảng bá hình ảnh tổ chức Công đoàn Việt Nam:
Năm 2021, LĐLĐ thành phố tổ chức một số hoạt động mới, tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong đông đảo CNVCLĐ và cộng đồng xã hội: “Kết nối công nông - từ cánh đồng tới doanh nghiệp”, giúp bà con nông dân giải cứu nông sản tồn ứ do dịch bệnh không tiêu thụ được; Ngày hội “Cảm ơn người lao động” nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 với nhiều hoạt động ý nghĩa: Gian hàng 0 đồng, gian hàng giảm giá, tư vấn và khám bệnh miễn phí, thay dầu xe miễn phí…; Triển khai thí điểm mô hình “Khu nhà ở công nhân văn minh, an toàn” (trang bị cơ sở vật chất: wifi miễn phí, thùng rác…; tổ chức các hoạt động cộng đồng: tư vấn, khám sàng lọc và phát thuốc miễn phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19; dọn vệ sinh; xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 cho công nhân các khu nhà trọ trên địa bàn thành phố Hải Phòng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022…).
* Nhóm giải pháp tích cực nắm bắt thông tin, kịp thời định hướng dư luận:
Bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo thường xuyên theo dõi các trang mạng xã hội, các tin bài đăng tải; đồng thời vào xem các bình luận của đoàn viên, CNVCLĐ và nhân dân trước 1 sự việc, sự kiện, hoạt động, đặc biệt là nội dung liên quan tới tổ chức công đoàn. Đối với những bình luận trái chiều, trực tiếp cá nhân thành viên, thư ký Ban Chỉ đạo, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Ban Tuyên giáo - Nữ công sẽ bình luận nội dung chính thống, góp phần định hướng tích cực ngay tại các bài đăng có xu hướng trái chiều, chống phá.
Đối với các tài khoản, bài đăng xấu, độc, kịp thời nhắn tin vào các nhóm chung của Ban Chỉ đạo 35 LĐLĐ thành phố, nhóm thông tin cơ sở để nhờ từng thành viên vào báo xấu (report) bài viết, report trang… để góp phần đánh sập các trang xấu độc, xóa và ẩn các bài đăng trái chiều, các bình luận tiêu cực.
Hiện tại, 23/23 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã thành lập Fanpage hoặc Facebook của đơn vị để chia sẻ, đăng tải thông tin hoạt động. Nhiều đơn vị chủ động, sáng tạo tổ chức các cuộc thi nhỏ trên mạng xã hội, thu hút sự theo dõi, tương tác của đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ…
Đối với tổ chức công đoàn, nguy cơ làm xuất hiện các thông tin độc, xấu, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong tổ chức hầu hết được các phần tử cơ hội lợi dụng từ các cuộc ngừng việc tập thể, quyền và lợi ích của người lao động bị xâm phạm… Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đã xuất hiện một số thông tin sai trái nhằm bôi nhọ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn đối với CNVCLĐ. Việc triển khai, nhân rộng các giải pháp nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã thu được những hiệu quả tích cực; góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
* Một số kinh nghiệm, đề xuất trong thực hiện giải pháp nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch:
- Cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Để xác định được thông tin tiếp cận là giả hay thật; đúng hay sai; tốt hay xấu thì cần tiếp cận nhiều với các thông tin chính thống. Để xác định chắc chắn đó là thông tin chính thống, nên tiếp nhận hay không thì cần nắm rõ chủ thể đăng tải. Nếu chủ thể đăng tải thông tin là các nick ảo, nick không chính danh và tổng thể nội dung trang có thái độ nhìn nhận không phù hợp với quan điểm chính thống thì cần loại bỏ... Sau khi nhận diện được nên tránh các thông tin xấu, độc theo hướng đã được nhận diện; đồng thời chọn lọc những thông tin có lợi, những thông tin phù hợp với thuần phong mỹ tục... để tiếp cận.
- Cần có kỹ năng công nghệ - thông tin nhất định để chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu... các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để không cho các thông tin đó lan truyền dễ dàng. Cần cân nhắc xem nên comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ), dẫn link hay không nên một vấn đề nào đó, để tránh việc vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa thông tin xấu, độc. Việc nắm các quy định của Luật An ninh mạng là một vấn đề bắt buộc giúp người sử dụng tránh những hành vi vi phạm có khi chỉ là vô tình nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và xã hội.
- Mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm lan tỏa những thông tin chính thống, chất lượng, chuẩn mực, gương người tốt, việc tốt theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Đó là cách để nhân rộng những điều tốt, cổ vũ những mặt tích cực, có ý nghĩa xây dựng xã hội. Mặt khác, cần tuyên truyền để tự thân mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ xây dựng cho mình một cách tiếp cận thông tin nhạy bén, hiệu quả, đảm bảo uy tín, chất lượng; đồng thời tăng cường học tập, trau dồi kiến thức để phân biệt, loại bỏ những thông tin xấu, độc, có hại, biết truyền bá những cái hay, cái tốt, điều có ích cho xã hội và có động thái tích cực, không thờ ơ trong đấu tranh với thông tin xấu, độc. Có trình độ chuyên môn, lý luận vững vàng, am hiểu thực tiễn chính trị - xã hội đất nước, thành phố, về tổ chức Đảng, Công đoàn sẽ giúp cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ thành phố vững vàng, tự tin để phản biện, chống lại các thông tin xấu, độc, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ.
- Tham mưu thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các nhóm nòng cốt CNLĐ tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, qua đó thông tin có nguy cơ tại cơ sở sẽ được nắm bắt kịp thời, tránh để phần tử cơ hội lợi dụng xuyên tạc, gây chia rẽ mất đoàn kết./.
Phạm Thị Xuân Quyên (Phó Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ thành phố)