Thứ tư, 08/02/2023
Không được hưởng lương hưu
Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động đủ tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu hàng tháng. Theo Điều 55 và Điều 74 Luật BHXH năm 2014, lương hưu hằng tháng của người lao động sẽ được tính như sau:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng * Mức bình quân tiền lương/thu nhập đóng BHXH
Trong đó, mức hưởng lương hưu hàng tháng được quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là 45%. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% tiền lương tháng đóng BHXH.
Như vậy, càng đóng BHXH nhiều năm thì mức hưởng lương hưu khi về già của người lao động lại càng cao nhưng có giới hạn tối đa là 75%.
Tuy nhiên, nếu rút BHXH một lần, thời gian đóng BHXH trước đó của người lao động sẽ bị xóa bỏ. Nếu không tiếp tục tham gia BHXH, người lao động đương nhiên sẽ không được nhận lương hưu khi về già.
Không có trợ cấp mai táng
Điều 66 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động đang hưởng lương hưu mà qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng. Số tiền này sẽ được cơ quan BHXH thanh toán một lần cho thân nhân của người lao động đó.
Tiền trợ cấp mai táng = 10 * Mức lương cơ sở
Hiện tại, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng. Theo đó, mức trợ cấp mai táng được xác định bằng 14,9 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà có thời đóng từ đủ 12 tháng trở lên qua đời thì thân nhân của họ cũng được nhận loại trợ cấp này.
Vì vậy, nếu người lao động đã rút BHXH một lần với toàn bộ thời gian đóng BHXH thì khi qua đời, thân nhân của họ sẽ không được nhận trợ cấp mai táng. Nhưng nếu rút BHXH một lần mà sau đó người lao động lại tiếp tục tham gia BHXH thì khi không may qua đời, người thân của họ vẫn có cơ hội nhận trợ cấp mai táng.
Người thân không được hưởng trợ cấp tuất
Theo Điều 67 và Điều 69 Luật BHXH năm 2014, người lao động đang hưởng lương hưu mà qua đời thì thân nhân của người đó sẽ được hưởng trợ cấp tuất, có thể là tuất 1 lần hoặc tuất hàng tháng.
Điều 69 và Điều 70 Luật BHXH 2014 quy định, nếu người lao động đang nhận lương hưu mà chết thì thân nhân sẽ được hưởng như sau:
- Trợ cấp tuất hàng tháng:
+ Với thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng: Mức trợ cấp tuất hàng tháng = 70% * Mức lương cơ sở = 1.043.000 đồng/tháng.
+ Với thân nhân thuộc trường hợp còn lại: Mức trợ cấp tuất hàng tháng = 50% * Mức lương cơ sở = 745.000 đồng/tháng.
- Trợ cấp tuất một lần:
Nếu người lao động chết trong 2 tháng đầu nhận lương hưu: Mức trợ cấp tuất 1 lần = 48 * Mức lương hưu hằng tháng đang hưởng.
Nếu người lao động chết từ tháng thứ ba nhận lương hưu trở đi: Mức trợ cấp tuất 1 lần = 48 * Mức lương hưu đang hưởng - 0,5 * (Số tháng đã hưởng lương hưu - 2) * Mức lương hưu đang hưởng.
Trong đóm mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.
Mất tiền mua BHYT nhưng mức hưởng thấp hơn
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định, người đang hưởng lương hưu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo nhóm do cơ quan BHXH đóng. Theo đó, bên cạnh lương hưu, người lao động còn được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Ngược lại, do đã rút BHXH một lần nên không được hưởng lương hưu, người lao động sẽ phải tự bỏ tiền túi để mua thẻ BHYT theo diện hộ gia đình.
Theo Điều 22 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2014, mức thanh toán BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến của người đang hưởng lương hưu là 95%, trong khi đó, người tham gia BHYT hộ gia đình chỉ được thanh toán 80%.
Như vậy, khi đã rút BHXH một lần, người lao động không chỉ phải tự mua BHYT mà còn phải chấp nhận mức thanh toán BHYT đúng tuyến thấp hơn so với người có lương hưu.