Thứ ba, 04/04/2023
Thời gian qua, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng các địa phương cũng đã cố gắng đẩy mạnh các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, từ đó cũng đã có những cải thiện, chuyển biến tích cực. Tỉ lệ chậm đóng so với số phải thu của năm 2020 chiếm 4,4%, đến năm 2021 giảm xuống còn 3,64%, năm 2022 con số này là 2,9% trên tổng số phải thu. Tuy vậy, các chuyên gia về BHXH cho rằng số chậm đóng vẫn chiếm từ 3% đến 5% tổng số phải thu và việc DN chậm đóng, trốn đóng BHXH sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ BHXH cho NLĐ.
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết qua phân tích số liệu chậm đóng thời gian vừa qua, tình trạng chậm đóng tập trung chủ yếu ở các DN ngoài quốc doanh, chiếm từ 60% đến 80% tổng số DN chậm đóng. Số lao động bị ảnh hưởng quyền lợi tập trung ở đơn vị, DN đã phá sản, DN đang làm thủ tục phá sản, ngừng hoạt động và DN không có người đại diện pháp luật. Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh - thành, lãnh đạo BHXH Việt Nam yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các DN chưa đăng ký đóng, đóng BHXH, BHYT, BHTN không đầy đủ; DN chậm đóng từ 3 tháng trở lên, yêu cầu các đơn vị liên quan kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại điều 216 Bộ Luật Hình sự năm 2015 đối với những DN cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất các biện pháp chế tài mới để xử lý nghiêm hành vi trốn đóng BHXH. Trong đó đặt ra vấn đề sau khi xử lý các biện pháp về mặt hành chính mà các đơn vị, DN vẫn trốn đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên sẽ ngừng sử dụng hóa đơn hay hoãn xuất nhập cảnh đối với các trường hợp mà DN nợ từ 12 tháng trở lên. Ngoài ra, dự thảo cũng dự kiến bổ sung thẩm quyền là cơ quan BHXH có trách nhiệm cũng như thẩm quyền khởi kiện các DN ra tòa, trong khi luật hiện hành đang giao cho tổ chức Công đoàn thực hiện.