Hải Phòng 03/11/2024

Thách thức với lao động nữ trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư

Thứ ba, 25/06/2019

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ lao động nữ tham gia thị trường lao động chiếm tỉ lệ cao so với thế giới, luôn giữ ở mức ổn định 48 - 49%. Phụ nữ nói chung và lao động nữ nói riêng bên cạnh thiên chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái, họ còn có những đóng góp vô cùng quan trọng vào nền kinh tế quốc gia. Sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ đã và đang mang lại nhiều tiến bộ về năng suất lao động, song với những thay đổi nhu cầu sử dụng lao động trong thời kỳ mạng công nghiệp lần thứ 4.0 sẽ đặt ra nhiều cơ hội và thách thức với lao động nữ.

          Sau ba cuộc Cách mạng công nghiệp lớn trong lịch sử, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghiệp 4.0) giúp cho máy tính, phần cứng, phần mềm cũng như mạng toàn cầu phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự ra đời một cuộc cách mạng công nghiệp toàn diện và làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính là: Kỹ thuật số: Bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI); Công nghệ sinh học: Ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu; Lĩnh vực vật lý: Robot thế hệ mới, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…), công nghệ nano...CMCN 4.0 là cơ hội lớn cho lực lượng lao động ở các nước đang phát triển, trong đó có lao động nữ Việt Nam. Nhân cơ hội này, lao động nữ có thể tiếp cận với ngành nghề mới, việc làm mới; cơ hội tăng năng suất lao động, tăng thu nhập và cơ hội năng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật bắt kịp với lao động nữ trong khu vực và thế giới.
        Tuy nhiên, theo đúng quy luật của CMCN 4.0, những ai không theo kịp với sự phát triển của công nghệ sẽ bị đào thải, lao động nữ Việt Nam - những người trước nay vốn quen với nếp sinh hoạt đi làm, về nhà nấu nướng, chăm con, ít khi tiếp xúc với công nghệ chính là đối tượng đầu tiên phải chịu tác động của cuộc cách mạng này. Hiện nay, nhiều chuyên gia nghiên cứu đã cho rằng, cùng với những cơ hội, lao động nữ phải đối mặt với những thách thức sau:
         Thứ nhất, trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lao động nữ còn thấp:
         Hiện nay, số lượng lao động nữ qua đào tạo còn hạn chế, đây là một vấn đề xã hội rất đáng được quan tâm và cần có chiến lược để cải thiện nhằm giúp lao động nữ bắt kịp với xu hướng thời đại. Lao động nữ khi tham gia vào thị trường lao động thường gặp khó khăn trong việc sử dụng, vận hành những phương tiện kỹ thuật, công nghệ và lúng túng khi sử dụng máy vi tính. Các kỹ năng mềm của lao động nữ chưa được đào tạo kỹ càng, các kỹ năng được trang bị chưa phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động. Tỷ lệ nữ tiếp cận với công nghệ và kỹ thuật số cũng thấp hơn đáng kể so với nam giới.
        Thứ hai, nguy cơ mất việc làm trong một số ngành sử dụng nhiều lao động nữ
Trên thực tế, các ngành công nghiệp có thâm niên lâu đời ở Việt Nam như ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, lắp ráp điện tử… phần lớn sử dụng lao động là nữ ở mức độ đào tạo đơn giản, có nhà máy sử dụng tới 80-90% lao động nữ. Điều đáng nói, đây cũng chính là những lĩnh vực sẽ được thay thế bằng công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo một cách triệt để nhất. Thực tế, không chỉ ngành dệt may mà ngành điện tử, ngành giày da và túi xách Việt Nam cũng đang chịu áp lực và thay đổi rất nhanh trước CMCN 4.0. Hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực điện tử và giày da đã đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất rất nhiều, quy trình sản xuất thay đổi và có xu hướng tập trung tự động hóa ở những khâu cần nhiều lao động như khâu lắp ráp, khâu đưa hàng hóa ra trung tâm phân phối, khâu cắt, 01 máy có thể thay thế cho 4 lao động, năng suất tăng gấp đôi thậm chí gấp ba so với quy trình sản xuất cũ.
         Thứ ba, những tác động đến con cái, gia đình, cuộc sống; cơ hội phát triển nghề nghiệp và bất bình đẳng đối với lao động nữ
        Vai trò của giới nữ ngày càng nâng cao, nhưng lao động nữ vẫn thường làm việc ở các vị trí giản đơn, trình độ chuyên môn hạn chế, chất lượng việc làm còn chưa ổn định và thiếu bền vững, nên lao động nữ rất dễ bị mất việc làm trong CMCN 4.0. Đặc biệt, tình trạng hạn chế sử dụng lao động nữ từ 35 tuổi trở lên, đang là vấn đề nổi lên trong thị trường lao động, khiến lao động nữ phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm thu nhập, thậm chí mất nguồn thu nhập. Thu nhập mất đi, chưa kể việc tiếp cận các dịch vụ, thụ hưởng văn hóa, vui chơi giải trí của lao động nữ còn rất hạn chế, sẽ làm ảnh hưởng đến con cái, gia đình, chất lượng cuộc sống của họ.
        Các giải pháp để lao động nữ kịp thời thích ứng với CMCN 4.0:
        Thứ nhất, cần chủ động nâng cao nhận thức về CMCN 4.0 và nâng cao trình độ, tay nghề
        Lao động nữ cần nâng cao nhận thức, học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu tìm hiểu các thông tin cần thiết, để biết được một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa. Mỗi cá nhân lao động nữ cần nỗ lực, tự vượt qua chính mình, tự học tập, tự trang bị kiến thức, để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Mỗi lao động nữ phải ý thức được sự thay đổi, cảm nhận được áp lực, thách thức từ cuộc công nghiệp lần này, để có ứng phó phù hợp với bản thân; cần nỗ lực tự trau dồi, trang bị cho mình khả năng học hỏi, phải sẵn sàng tiếp thu những kỹ năng mới vì khả năng được tuyển dụng ít phụ thuộc vào những gì người lao động đã biết mà phụ thuộc nhiều vào khả năng học tập, ứng dụng và thích nghi tốt như thế nào. Lao động nữ phải thay đổi tư duy và chấp nhận học suốt đời, mất việc này thì học việc mới, làm việc khác và chấp nhận thay đổi môi trường, địa điểm làm việc.
        Thứ hai, phát triển kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0
Trình độ chuyên môn, kỹ thuật và các bằng cấp chưa đủ để quyết định hiệu quả trong công việc, mà đồng thời lao động nữ phải tạo cho mình các yếu tố đặc trưng về kỹ năng làm việc, khả năng sáng tạo, thích ứng, linh hoạt với công việc và giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, tin học … Các yếu tố này được gọi là kỹ năng mềm. Những kỹ năng này có thể không được học trong nhà trường, mà cần sự trau dồi, rèn luyện của người lao động.
       Với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng, nhưng chưa đủ, vì những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Vậy muốn thành công, lao động nữ phải hội tụ đủ cả trình độ chuyên môn, kỹ thuật và kỹ năng mềm để thích ứng với CMCN 4.0.
         Nền kinh tế mỗi ngày một tự động hóa cao, lao động trong nhiều ngành nghề sẽ biến động rất lớn. Muốn nắm bắt được các lợi thế trong thời đại mới, điều quan trọng là phụ nữ cần được trang bị các phương pháp tư duy mới để tạo ra sự khác biệt và tận dụng tối đa cơ hội có được. Cụ thể, bên cạnh việc tự trang bị kiến thức và kỹ năng, tiếp cận công nghệ mới, việc lựa chọn ngành nghề, hình thức và phương thức lập nghiệp cũng phải có những thay đổi cơ bản.

                       Phạm Thu Thưởng
Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

 
 
 
 
 

 
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:2886
Tất cả:05278453
Đang trực tuyến:328

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn