Vì sao có sự chênh lệch trong cách tính lương hưu giữa nam và nữ?
Thứ tư, 25/10/2023
Khi giảm năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhưng cách tính vẫn giữ nguyên thì tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ có sự chênh lệch
Một trong những nội dụng được người lao động quan tâm trong lần sửa đổi Luật BHXH này là đề xuất giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Với thay đổi này, khi đủ 15 năm đóng BHXH, lao động nữ được tính tỉ lệ hưu là 45% mức bình quân tiền lương đóng BHXH, còn lao động nam sẽ được hưởng tỉ lệ 33,75%. Như vậy, tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ có sự chênh lệch, dù cùng thời gian tham gia BHXH như nhau.
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết công thức tính, mức hưởng lương hưu về cơ bản kế thừa quy định của Luật BHXH các năm 2006, 2014. Theo đó, tại Luật BHXH năm 2006 quy định người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu; tỉ lệ hưu được tính cho cả lao động nam và nữ là 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%. Luật BHXH năm 2014 là kết quả việc sửa Luật năm 2006, đã có sự điều chỉnh: Với lao động nữ vẫn giữ nguyên cách tính tỉ lệ hưu 45% cho 15 năm đóng BHXH, riêng với lao động nam phải đóng BHXH 20 năm mới được tính tỉ lệ hưởng 45%. Do đó, khi giảm năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhưng cách tính vẫn giữ nguyên thì tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ có sự chênh lệch.
Quy định giảm năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống 15 năm không áp dụng cho mọi nhóm đối tượng mà chủ yếu hướng đến nhóm tham gia BHXH muộn do không có điều kiện đóng dài. Đối với trường hợp nghỉ hưu sớm vẫn phải đóng BHXH đủ 20 năm để được hưởng lương hưu. Đồng thời, mỗi năm nghỉ sớm hơn tuổi quy định sẽ bị trừ 2% tỉ lệ hưởng lương hưu.