Hải Phòng 27/09/2023

Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Muốn theo kịp, trước hết cần nâng cao năng lực của đoàn viên và người lao động

Thứ tư, 09/01/2019

Chiều ngày 12-11, 100% Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc gia nhập này, theo đánh giá của các chuyên gia về kinh tế, về tổng thể có nhiều lợi ích với Việt Nam. Song lại đặt ra những thách thức và yêu cầu để theo kịp quá trình hội nhập, trong đó dự báo có những tác động lớn liên quan đến lao động và công đoàn, nhất là vấn đề việc làm của người lao động. Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố TỐNG VĂN BĂNG trò chuyện với phóng viên Hải Phòng cuối tuần chung quanh nội dung này.

- Với sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiều 12-11 vừa qua được nhiều người quan tâm trong đó có không ít đoàn viên và người lao động. Tuy nhiên, trong niềm vui đón chờ những thuận lợi của quá trình hội nhập, kết nối cung – cầu trong và ngoài nước còn kéo theo những nỗi lo về yêu cầu về chất lượng, trình độ và năng suất lao động để theo kịp với quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Đồng chí nhìn nhận thế nào về thực tế này?
- Trước hết, cần khẳng định việc Việt Nam chính thức gia nhập CPTPP là một trong những điểm nhấn của quá trình hội nhập và có tác động trực tiếp tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Một trong những vấn đề đã đặt ra trước khi đàm phán TPP và sau này là CPTPP chính là sự ảnh hưởng hay tác động liên quan đến việc làm của người lao động khi có nhiều đòi hòi đặt ra như sự chuẩn hóa về chất lượng hàng hóa bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định và phải do người lao động thực hiện theo các chuẩn mực quốc tế về lao động. Để có thể đáp ứng được yêu cấu đó, nguồn nhân lực nói chung phải đáp ứng đủ các điều kiện về tay nghề, trình độ chuyên môn, được bảo đảm làm việc trong môi trường tiêu chuẩn, bảo đảm chế độ về tiền lương, được đối xử bình đẳng. Trong khi đó, về tổng thể chung của lực lượng lao động khu vực Hải Phòng còn có những khoảng trống nhất định về trình độ chuyên môn, về ý thức tổ chức kỷ luật, về năng suất lao động. Phần lớn người lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 75%, đào tạo nghề mới đạt khoảng 43,3%. Đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu sang các nước thành viên cũng tiếp tục phải đối mặt với sự cạnh tranh về thị phần, sự thay đổi về công nghệ, về điều kiện an toàn vệ sinh lao động và thu hút lao động trình độ cao thông qua chế độ tiền lương, phúc lợi. Điều này đặt ra bài toán khó trong thời gian tới khi hệ thống công đoàn muốn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên và người lao động trong thời điểm doanh nghiệp cũng có những khó khăn nhất định.
- Bài toán khó mà đồng chí vừa nhắc tới phải chăng là nguy cơ người lao động có thể sẽ mất việc nếu không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn và kỹ năng trong công việc thực tế?
- Đúng là như vậy. Mặc dù trong những năm qua, thành phố có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển cùng Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề. Theo đó, mỗi năm giúp giải quyết việc làm hơn 50.000 lượt lao động. Đặc biệt, khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài tạo việc làm mới với hàng vạn lao động. Tuy nhiên, do cơ cấu việc làm chưa hợp lý nên trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng mất cân đối về cung, cầu lao động, nhất là lao động có nghề, có trình độ (mang tính cục bộ và gián đoạn thời gian), trong khi một bộ phận lao động thuộc khu vực giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, y tế... gặp khó khăn về việc làm do chuyển đổi cơ chế. Còn nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày thiếu hoặc biến động lao động chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, có một thực tế đáng quan tâm là, hiện nay, phần lớn người lao động làm việc theo kinh nghiệm. Có những người hầu như không sử dụng kiến thức được đào tạo để áp dụng vào thực tế công việc. Nhiều người sau khi được tuyển dụng phải tiếp tục học và được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Tuy nhiên, có thể trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp sẽ không sẵn sàng bỏ thời gian và kinh phí đào tạo lại và thay vì đó, họ sẽ chọn những lao động có tay nghề đủ để hòa nhập công việc ngay. Mặt khác, cái yếu nhất của lực lượng lao động hiện nay vẫn là hạn chế về ngoại ngữ. Trong khi quá trình hội nhập nền kinh tế khu vực và quốc tế, người lao động cần được trang bị vốn ngoại ngữ cần và đủ để theo kịp yêu cầu.
- Vậy chỉ có cách tập trung đào tạo nâng cao tay nghề với những lao động đang làm việc hiện nay để đáp ứng các yêu cầu trong giai đoạn mới.  Có như vậy mới giữ được công việc hiện tại và giúp họ bắt nhịp với giai đoạn mới, và nhiệm vụ này được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
- Vấn đề nâng cao tay nghề cho đoàn viên và người lao động được các cấp công đoàn quan tâm. Giai đoạn 2013- 2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Chương trình số 1464/Ctr-TLĐ ngày 8-10-2013 về “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động” góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên và người lao động trong việc nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Song, nhìn trước 5 năm tới, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế tiếp tục thay đổi. Đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trước mắt là việc tham gia Hiệp dịnh đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), rồi liên tục những phê chuẩn và thực hiện các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA)... Những dấu mốc trong quá trình hội nhập này sẽ tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống và việc làm của người lao động thành phố. Tình hình mới tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với người lao động và hoạt động công đoàn.
- Thách thức rõ ràng là không nhỏ. Hệ thống công đoàn có giải pháp gì để giúp đoàn viên và người lao động vượt qua khó khăn, ổn định công việc đáp ứng yêu cầu mới trong thời gian tới?
- Nói là khó khăn, song Hải Phòng có những thuận lợi đáng kể để đối mặt với thách thức này. Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 15 Đại hội Đảng bộ thành phố, kinh tế thành phố có bước phát triển đột phá; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều công trình, dự án lớn đã và đang triển khai thu hút lượng vốn đầu tư lớn của nhà nước, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh. Dự kiến đến năm 2020 có khoảng 33.000 doanh nghiệp, hàng năm tạo việc làm trung bình hơn 50.000 người lao động. Sự phát triển này giúp người lao động có những cơ hội nắm bắt yêu cầu mới để tự trau đồi kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức ngoại ngữ. Một khi có được sự tự giác của họ, việc hỗ trợ nâng cao chất lượng đội ngũ lao động của hệ thống công đoàn sẽ có những thuận lợi. Thời gian tới, hệ thống công đoàn tiếp tục tham gia giải quyết việc làm, chăm lo đời sống đoàn viên và người lao động thông qua hoạt động vay vốn từ Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và từ các nguồn kinh phí khác. Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.  
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:841
Tất cả:03775261
Đang trực tuyến:76

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn