Xây dựng đội ngũ công nhân thích ứng nhanh, giỏi tay nghề
Thứ hai, 16/12/2019
Chất lượng đội ngũ công nhân và công nhân, viên chức, lao động ngày một nâng cao. Tỷ lệ người lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vượt ngưỡng hơn 136 nghìn người. Phần lớn đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh… Đó là một phần kết quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 13 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Hải Phòng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố TỐNG VĂN BĂNG trò chuyện với phóng viên Báo Hải Phòng cuối tuần chung quanh nội dung này.
- Nghị quyết số 26-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 13 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Hải Phòng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” được ban hành cách đây 10 năm (ngày 19-3-2009). Việc triển khai Nghị quyết này có những chuyển biến gì trong xây dựng đội ngũ công nhân và công nhân, viên chức, lao động thành phố thưa đồng chí?
- Nghị quyết số 26-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 13 được ban hành ngày 19-3-2009 đến nay tròn 10 năm. Có một điều thuận lợi trong thực hiện Nghị quyết này, đây là giai đoạn thành phố có những bước chuyển mình, bứt phá trên các lĩnh vực. Kéo theo đó, lực lượng công nhân tham gia ở các thành phần kinh tế, các lĩnh vực tăng nhanh về số lượng và đa dạng về cơ sở (đa dạng về cơ cấu). Đây cũng là lực lượng sản xuất cơ bản, trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Số lượng công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm song hành (cùng với) sự giảm số lượng của doanh nghiệp Nhà nước. Trong khi đó, công nhân trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước tăng nhanh. Đáng mừng hơn, trình độ chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ, tin học, tay nghề của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Đồng chí có thể phân tích rõ hơn việc nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động được biểu hiện cụ thể qua những kết quả như thế nào?
- Sự chuyển biến tích cực của đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) thành phố được thể hiện toàn diện. Trước hết là về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đội ngũ CNLĐ Hải Phòng có bước phát triển bượt bậc về số lượng, đa dạng về cơ cấu, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo hơn 85%, đào tạo nghề khoảng 40%. Thành phố hiện có hơn 136 nghìn người lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Trong đó có khoảng 4.200 người có trình độ trên đại học. Gần 4.900 cán bộ khoa học và công nghệ. - Như vậy, sự chuyển biến về chất lượng của đội ngũ CNLĐ đúng là có những bước phát triển tích cực. Các cấp công đoàn có những tác động gì trong việc nâng cao chất lượng của lực lượng lao động này?
- Bám sát những mục tiêu, chỉ đạo từ Nghị quyết số 26-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 13 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Hải Phòng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, LĐLĐ thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức nhiều khóa đào tạo, huấn luyện, tập huấn để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên công đoàn và người lao động. Theo đó, qua 10 năm triển khai Nghị quyết này, có 693.181 lượt CNLĐ được học tập nâng cao trình độ kỹ độ kỹ năng nghề nghiệp, hơn 76 nghìn lượt CNLĐ được nâng cao trình độ học vấn. 243 nghìn lượt đoàn viên, CNLĐ được học tập, nâng cao hiểu biết về chính trị, pháp luật. Các cấp công đoàn thành phố tổ chức thành công 117 cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi với 26.421 lượt đoàn viên tham gia. Kết quả trên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. - Vậy còn các vấn đề liên quan đến bảo đảm quyền lợi và đời sống người lao động, các cấp công đoàn có những giải pháp gì giúp người lao động yên tâm làm việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới?
- Việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động cũng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của CNVCLĐ là nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn các cấp. Để giúp người lao động yên tâm làm việc, công đoàn chú ý tới những hoạt động hỗ trợ bảo đảm các cơ chế, chính sách như giám sát thực hiện mức lương tối thiểu vùng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức các hội nghị cán bộ công chức viên chức, hội nghị đối thoại, chế độ bữa ăn ca, các chế độ chính sách lao động nữ… Qua thống kê, tại Hải Phòng hiện nay có 96% tổng số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định. Số doanh nghiệp chưa thực hiện nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp thiếu nhỡ việc làm, hoạt động kém hiệu quả và đang chờ giải thể. - Được biết, việc vận động các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thực hiện ký thỏa ước tập thể là một giải pháp giúp cải thiện chế độ, chính sách với người lao động. Giải pháp này được các cấp công đoàn thực hiện có hiệu quả đặc biệt là mô hình ký thỏa ước nhóm các doanh nghiệp nước ngoài. Song lại có ý kiến cho rằng, nhiều nơi, việc ký kết thỏa ước lao động tập thể còn mang tính hình thức, vai trò của tổ chức công đoàn chưa rõ nét. Đồng chí thông tin thêm về vấn đề này?
- Phải thẳng thắn thừa nhận thỏa ước lao động tập thể ở nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước còn mang tính hình thức. Có những bản thỏa ước mà nội dung chủ yếu là sao chép luật. Trong đó, chưa thể hiện rõ sự tham gia, thương lượng của tổ chức công đoàn. Mặt khác, vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động ở nhiều công đoàn cơ sở hiệu quả còn thấp. Các cấp công đoàn cũng chưa kiên quyết trong kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động vi phạm pháp luật. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động công đoàn. - Hướng tháo gỡ của công đoàn các cấp là gì trong thời gian tới?
- Bám sát tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 13 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Hải Phòng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, đặc biệt trên cơ sở định hướng cua Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó xác định việc xây dựng và phát triển đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao thì ngoài việc tiếp tục phát huy kết quả việc thực hiện Nghị quyết trong hỗ trợ nâng cao tay nghề, kỹ năng của đội ngũ công nhân, người lao động, chúng tôi xác định cần nhất là đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phù hợp với yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Bởi muốn thực hiện tốt hơn vai trò đại diện và bảo vệ của mình, không gì khác hơn là bản thân tổ chức công đoàn và mỗi cán bộ công đoàn cần đổi mới, thích ứng với thời kỳ mới. Có như thế mới hy vọng theo kịp tốc độ phát triển của thành phố và cả nước. - Trân trọng cảm ơn đồng chí!