Sáng nay ngày 21/3/2019, Đoàn đại biểu cán bộ CLB nữ công Công đoàn Viên chức Việt Nam đến dâng hưởng tưởng niệm tại Đền thờ Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại An Đồng, An Dương, Hải Phòng.
Đại diện có các đồng chí: Đỗ Hồng Vân - Phó Trưởng Ban nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bùi Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hải Phòng, Nguyễn Thanh Thủy - Phó Bí thư Đảng Ủy khối các cơ quan thành phố, Phạm Thị Thơ Chủ tịch Công đoàn viên chức thành phố cùng 120 cán bộ CLB nữ Công đoàn Viên chức Việt Nam.
Tại đây, đoàn đại biểu làm lễ dâng hưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và các anh hùng liệt sỹ. Đoàn đã được đồng chí Vũ Thanh Sơn - Phó Giám đốc Cung Văn hóa LĐHN Việt Tiệp giới thiệu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
*BBT xin được giới thiệu tóm tắt tiểu sử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Kiến trúc Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh:
* Tóm tắt tiểu sử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh:
Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 02/02/1908 tại thôn Diêm Điền Thụy Hà (nay là thị trấn Diêm Điền) huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước. Đồng chí là một trong 7 đảng viên đầu tiên của Đảng, là một trong những người sáng lập, một lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta.
Cuối năm 1927, đồng chí tham gia tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Đầu năm 1928, đông chí được kỳ bộ thanh niên cách mạng đồng chí hội cử làm bí thư tỉnh bộ thanh niên cách mạng đồng chí hội Hải Phòng (gồm Cẩm Phả, Quảng yên, Kiến An, Hải Dương).
Đồng chí là một cán bộ xuất sắc trong phong trào vận động công nhân, được Đảng ta giao nhiệm vụ triệu tập Đại hội công nhân Bắc Kỳ thành lập Công hội đỏ vào ngày 28/7/1929 (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động ngày nay). Là người đứng đầu Tổng Công hội đỏ. Ngày 14/8/1929 với cương vị tổng biên tập đồng chí đã xuất bản số báo lao động đầu tiên (tháng 2 kỳ) tiền thân báo lao động ngày nay. Sau đó ra tạp chí Công hội đỏ là cơ quan tuyên truyền và lý luận của Tổng Công hội, cùng làm báo có các đồng chí Trường Chinh, Trịnh Đình Cửu.
Cuối tháng 3/1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long - Hà Nội, đồng chí cùng 6 đồng chí trong Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đã thành lập Chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1930 theo giấy triệu tập của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đồng chí cùng đồng chí Trịnh Đình Cửu đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng dự hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng Trung Quốc (3/2/1930).
Tháng 4/1930, đồng chí tổ chức đón đồng chí Trần Phú về nước đồng thời đã đóng góp nhiều ý kiến thực tiễn giúp đồng chí Trần Phú khởi thảo luận cương chính trị của Đảng (tháng 10/1930). Tháng 5/1930 đồng chí được Trung ương phân công làm bí thư xứ ủy Bắc Kỳ.
Cuối tháng 10/1930, đồng chí được Trung ương Đảng điều động vào tham gia xứ ủy Trung Kỳ để tăng cường lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cuối tháng 4/1931, đồng chí bị đế quốc Pháp bắt rồi kết án tử hình và bị kẻ thù sát hại ngày 31/7/1932 tại thành phố Hải Phòng.
Đồng chí phục vụ cho Đảng và nhân dân đến hơi thở cuối cùng, trong thời gian bị giam cầm trong xà lim án chém, đồng chí vẫn bình tĩnh kiên định và kịp thời tổng kết kinh nghiệm vận động công nhân qua tác phẩm “Kinh nghiệm công nhân vận động” để truyền lại cho mai sau.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, về đạo đức cách mạng trong sáng và bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản trung kiên của Đảng, của giai cấp công nhân Việt Nam, dân tộc Việt Nam anh hùng.
* Kiến trúc Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh:
Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được xây dựng với diện tích rộng hơn 3 ha với không gian bề thế, rộng rãi, khang trang. Không gian đậm màu sắc truyền thống với kiến trúc cổ của ngôi đền cùng các công trình phụ trợ; Xung quanh Nhà tưởng niệm với không gian rộng rãi, rợp bóng cây xanh, các loài hoa đủ màu rực rỡ, hồ sen với đàn thiên nga tung tăng bơi lội, đồi cọ cùng nhiều tiểu cảnh sinh động
Dâng hương tại ngôi đền chính, du khách được chiêm bái bức tượng dát vàng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, thưởng lãm kiến trúc truyền thống rất đẹp của đền. Các nhà tả vu, hữu vu trưng bày các hiện vật về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, liệt sĩ Hồ Ngọc Lân, lịch sử Công đoàn Việt Nam…, Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá, cảnh quan, từ ngày khánh thành đến nay khu di tích đã thu hút nhiều quần chúng nhân dân, học sinh, sinh viên , các nhà nghiên cứu và những người yêu lịch sử, văn hoá đến tham quan, tìm hiểu.
Nhà tưởng niệm không hàng quán, rác thải đem lại cho du khách cảm giác thoải mái, dễ chịu. Khu di tích còn tạo ấn tượng tốt đẹp đối với người dân và du khách thập phương với hình ảnh khu di tích văn minh, lịch sự. Ở đây không có hàng quán xô bồ, không hàng rong chèo kéo du khách… Dù diện tích rộng với rất nhiều hạng mục công trình và tiếp đón rất đông khách nhưng khu di tích hết sức sạch sẽ, không có rác vương vãi. Đến đây du khách được gửi xe, uống nước miễn phí. Nơi đây thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, điểm sinh hoạt cộng đồng và điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của thành phố Cảng.
Một số hình ảnh lễ dâng hương:
Đoàn đại biểu CLB Nữ cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam dâng hương tại Nhà tưởng niệm Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh