Hải Phòng 14/12/2024

Công đoàn đề xuất lương tối thiểu năm 2024 tăng 6,5 - 7,3%

Thứ năm, 21/12/2023

Tại phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 2 phương án điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024.

      Sáng ngày 20/12, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ hai nhằm xem xét phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động.
      Hai phương án đề xuất tăng lương tối thiểu của Công đoàn
      Tổng LĐLĐ Việt Nam - tổ chức đại diện người lao động, là một trong những thành viên quan trọng trong các cuộc đàm phán về lương tối thiểu vùng. Trong phiên họp lần thứ hai này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 2 phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.
      Cụ thể, Tổng Liên đoàn đề xuất phương án 1 tăng 7,3% (tăng từ 250.000 đồng – 320.000 đồng), và phương án 2 tăng gần 6,5% (tăng từ 220.000 đồng – 290.000 đồng).
      Còn về mức điều chỉnh lương tối thiểu theo giờ, tiếp tục sử dụng phương pháp xác định mức lương tối thiểu theo giờ dựa trên cơ sở quy đổi từ mức lương tối thiểu theo tháng tương ứng với số giờ theo thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 để quy đổi ra theo 2 phương án trên.
     Công đoàn đề xuất thời điểm thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 01/7/2024, đảm bảo đồng bộ với thời điểm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo Nghị quyết số 27.
     Về đề xuất này, Tổng LĐLĐ Việt Nam căn cứ Điều 91 Bộ luật Lao động: “Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội” và “Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp”.
      Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhằm đảm bảo cân đối, hài hòa với việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang...
      Hiện, lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Còn lương tối thiểu giờ vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

      Hơn 75% người lao động thu nhập không đủ chi tiêu
      Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện hồi tháng 7/2023, tiền lương tối thiểu hiện tại chỉ đáp ứng 1/3 hoặc 1/4 chi tiêu của gia đình người lao động.
      Cuộc khảo sát với gần 3.000 lao động ở 4 vùng với các loại hình doanh nghiệp, cho thấy có 17,3% công nhân lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% trong số đó thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.
      Có 52,3% người lao động làm thêm giờ, số ngày làm thêm giờ trung bình 1 tháng là 10,71 ngày; số giờ làm thêm trung bình 1 ngày là 1,75 giờ. Bên cạnh đó, có 76,2% người lao động tham gia khảo sát "tình nguyện" làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
      Thu nhập trung bình của 2.982 người lao động khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hằng tháng của họ, 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp.
      Có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.
11,2% người lao động nói rằng không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp, họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.
      Tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định có con của 72,0% người lao động.
      Có tới 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp và 2,2% nguời lao động chưa từng mua sữa công thức (sữa bột) cho con dưới 6 tuổi; chỉ có 37,7% người lao có tiền lương đủ để đảm bảo 100% nhu cầu học tập của con.
      Chỉ có 26,2% người lao động có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày; 10,3% người lao động tham gia khảo sát cho biết với thu nhập hiện nay họ ít khi (1 lần/ tuần) có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa ăn tại gia đình.
      Gần 60% người lao động tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn tăng lương, trong đó có 2,29% người lao động có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng bày tỏ mong muốn tăng lương tối thiểu.
      Có 21,4% người lao động cho rằng mức lương tối thiểu hiện này và của những năm trước là không có ý nghĩa gì so với tốc độ trượt giá; 26,8% cho rằng mức lương tối thiểu là quá thấp, không phản ánh mức chi trả thực tế của thị trường lao động và 10,1% cho rằng mức lương như hiện nay không tạo ra động lực cho người lao động phấn đấu.
      Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn trong những năm qua, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19. Mức lương người lao động thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu, trong khi chi phí sinh hoạt tăng; chẳng hạn chi phí giáo dục tăng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, giá điện tăng theo Quyết định 377/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá nước sạch ở Hà Nội tăng theo Quyết định 3541/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội...
     Tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng. Nguyên nhân là kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm, CPI 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát tăng 4,74%.
     Phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị tăng khoảng 5-6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I. Còn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc cho lao động cấp thiết hơn tăng lương.
    Theo các chuyên gia lao động, nếu vòng 2 cuộc họp diễn ra thuận lợi thì theo quy trình văn bản, lấy ý kiến, khả năng tăng vào ngày 1/7/2024.
Nguồn Báo Lao động
PTT
 
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:916
Tất cả:05536138
Đang trực tuyến:93

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn