Công đoàn tích cực chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động
Thứ tư, 15/07/2020
“Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; nǎm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới” (Đường Kách mệnh - Hồ Chí Minh)
Công đoàn Việt Nam - tổ chức có địa vị pháp lý sớm nhất
Ngày 28 tháng 7 năm 1929, Hội nghị đại biểu Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất họp tại trụ sở của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ (số 15 Hàng Nón, Hà Nội). Hội nghị đã nhất trí thông qua chương trình, điều lệ và phương hướng hoạt động của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và bầu ra Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Đại hội quyết định xuất bản Báo Lao động làm cơ quan thông tin, tuyên truyền và tạp chí “Công hội Đỏ” làm cơ quan lý luận truyền bá quan điểm, chủ trương của Công hội Đỏ trong giai cấp công nhân (Năm 1983, Đại hội V Công đoàn Việt Nam quyết định lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam).
Có thể nói, Công đoàn Việt Nam là tổ chức có địa vị pháp lý sớm nhất khi nhà nước dân chủ được thành lập chưa đầy 2 năm. Ngày 02/3/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 29 về quyền của những người làm công tương tự như Luật lao động ngày nay và đã dành một chương với 22 điều quy định người lao động có quyền có tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình, công đoàn có tư cách pháp nhân. Sau đó, ngày 05/11/1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 108 ban hành Luật công đoàn do Quốc hội Khóa I thông qua. Đây là chỗ dựa pháp lý đầu tiên để phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong chế độ mới, mà sau đó được văn kiện cơ bản của Đảng và của Nhà nước (Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn mới) kế tục và phát triển.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, song dù ở bất kỳ hoàn cảnh, thời kỳ nào của đất nước, Công đoàn Việt Nam luôn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ “đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Công đoàn Hải Phòng - viết tiếp trang sử Công đoàn vẻ vang
Hải Phòng tự hào là một trong những “cái nôi” ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhiều lãnh tụ của Đảng và tổ chức công đoàn đã trưởng thành từ phong trào công nhân Hải Phòng như các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Công Hòa... Đặc biệt, trong các phong trào thi đua lao động sản xuất đã xuất hiện những điển hình tiêu biểu như: Nhà máy cơ khí Duyên Hải - lá cờ đầu của ngành công nghiệp Việt Nam toàn miền Bắc trong những năm 60 của thế kỷ XX; Tổ đá nhỏ Ca A, con chim đầu đàn của phong trào tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa; Tổ đèn biển Nam Triệu, Tổ in bao xi măng...
Hiện nay, toàn thành phố có khoảng hơn 15.000 doanh nghiệp với tổng số trên 500.000 công nhân lao động (CNLĐ). Liên đoàn lao động thành phố trực tiếp quản lý 31 đầu mối với trên 2.700 công đoàn cơ sở và trên 280.500 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), số lượng đoàn viên công đoàn là gần 270.000 (chiếm tỷ lệ gần 90% tổng số người lao động tại các doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn).
Trong nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn các cấp và người lao động thành phố Hải Phòng đã luôn phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong kháng chiến; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lao động chăm, sản xuất giỏi, thi đua tăng năng suất, vượt chỉ tiêu. Các cấp Công đoàn thành phố không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để chăm lo nâng cao đời sống công nhân, viên chức, người lao động. Tập trung vào các nhiệm vụ: Đẩy mạnh tuyên truyền định hướng tư tưởng; tập huấn rèn luyện kỹ năng, nâng cao tay nghề trong lao động sản xuất cho người lao động; đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân, viên chức, người lao động; tích cực hỗ trợ giải quyết các vấn đề bức xúc trong công nhân, viên chức, người lao động góp phần bình ổn sản xuất, giúp hoạt động và hiệu quả lao động sản xuất của các đơn vị, doanh nghiệp tăng cao. Chăm lo cho người lao động trên nhiều bình diện
Từ cấp thành phố tới cơ sở, công tác chăm lo cho công nhân lao động luôn được công đoàn các cấp thực hiện hiệu quả. Tích cực tham mưu cho chủ doanh nghiệp trực tiếp sử dụng lao động dành ra từ 50 - 60 tỷ đồng/năm hỗ trợ, chăm lo cho CNLĐ nhân dịp Tháng Công nhân, các dịp kỷ niệm, các ngày lễ lớn: thăm tặng quà; tặng vé xe miễn phí, hỗ trợ những chuyến xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết... Liên đoàn Lao động thành phố triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, CNVCLĐ: hỗ trợ xây, sửa nhà “Mái ấm Công đoàn”; hỗ trợ CNLĐ vay vốn để đầu tư cho chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ nhỏ... Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Liên đoàn Lao động thành phố đã làm tốt công tác phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố có nguồn lực hỗ trợ từ 1,5 - 3 tỷ đồng/năm cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, người lao động tiêu biểu nhân dịp Tết đến, Xuân về.
Song song với các hình thức hoạt động chăm lo truyền thống, các cấp Công đoàn thành phố không ngừng sáng tạo, đổi mới hình thức chăm lo cho CNLĐ như: mô hình tổ chức “Đám cưới tập thể” cho CNLĐ ngoại tỉnh (trong 02 năm 2018, 2019 đã tổ chức đám cưới tập thể cho 15 đôi CNLĐ); ký kết phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức Chương trình “Phiên chợ Tết công nhân”, “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình”... bán hàng ưu đãi, trợ giá cho CNLĐ; lắp đặt wifi miễn phí cho CNLĐ các khu nhà trọ trên địa bàn thành phố; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người sử dụng lao động và người lao động để tháo gỡ khó khăn; hướng dẫn các doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho CNLĐ...
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại Việt Nam và thế giới kéo theo sự giãn, hoãn, ngừng sản xuất của nhiều doanh nghiệp và mất việc của nhiều CNLĐ trên địa bàn thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho CNLĐ như: Thăm, tặng gần 20.000 khẩu trang, 4.000 bánh xà phòng diệt khuẩn, 4.000 tờ gấp tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh được trao tặng cho CNLĐ nhập cư tại 86 khu nhà trọ với tổng giá trị quà tặng hơn 240 triệu đồng; Trích từ Ngân sách Công đoàn thành phố tặng gần 1,5 tỷ đồng cho 1.217 CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (bao gồm: phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 24 tháng; cả 2 vợ chồng bị mất việc; bị tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn); Vận động từ nguồn xã hội hoá và trích từ Quỹ Mái ấm Công đoàn trao tặng cho gần 4.500 đoàn viên (thuộc các trường hợp: giáo viên, người lại động tại các trường mầm non tư thực, cơ sở giáo dục ngoài công lập; người lao động thời vụ tại các trường tiểu học và trung học cơ sở không được trả lương do bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19; CNLĐ tại các khu trọ không về quê được do thực hiện chủ trương giãn cách xã hội trong đợt dịch), mỗi trường hợp được nhận hỗ trợ 10kg gạo. Đồng thời chỉ đạo công đoàn các cấp triển khai nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho CNLĐ như thăm hỏi, tặng quà với hàng trăm tỷ đồng; tổ chức các buổi tọa đàm “Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp vượt khó hậu Covid-19” nhằm tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp...
Có thể khẳng định rằng, công tác chăm lo nâng cao chất lượng cuộc sống của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ của các cấp công đoàn thành phố đã có chuyển biến mạnh mẽ về chất và lượng. Tổ chức Công đoàn thực sự trở thành người bạn thân thiết, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên và người lao động.
Tháng 7 năm 2020, tháng đón sinh nhật lần thứ 91 của tổ chức Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2020), Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung triển khai hoạt động chăm lo, bảo vệ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động:
- Nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở trong thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; tổ chức các hoạt động ở cơ sở thật sự xuất phát từ nhu cầu của người lao động nhằm đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên, người lao động theo hướng tăng quyền thụ hưởng, tính thiết thực, sát hợp để người lao động có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông: “Lắng nghe người lao động” với nhiều hình thức để tạo diễn đàn tốt cho người lao động phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động trong tình hình hiện nay, nhất là tham gia các ý kiến vào các văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp.
- Tập trung giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động về bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca và chính sách nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động.
- Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, CNVCLĐ thuộc diện gia đình chính sách, có công với nước nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ - 27/7.
- Phối hợp với các đơn vị đã ký kết Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” tổ chức bán hàng giá ưu đãi cho đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư đông công nhân lao động.
- Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNVCLĐ đồng thời đảm bảo các nội dung phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, không ngừng đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp toàn thành phố trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, thông qua các hoạt động nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 91 của tổ chức Công đoàn Việt Nam, cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ thành phố sẽ phát huy cao độ trí tuệ, khối óc và nhiệt huyết thi đua lao động sản xuất để hoàn thành xuất sắc và vượt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, góp phần quan trọng chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XVI Đảng bộ thành phố và Đại hội XIII của Đảng.