Năm 2020 là năm thứ ba triển khai và thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác Dân số trong tình hình mới. Hàng năm, bám sát sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7, Tháng hành động Quốc gia về Dân số (tháng 12) và Ngày Dân số Việt Nam 26/12; Liên đoàn Lao động thành phố đã triển khai các hoạt động đến các cấp công đoàn; đồng thời triển khai có hiệu quả Hợp đồng trách nhiệm với Chi cục Dân số - KHHĐ thành phố.
Nhận thức được ý nghĩa, vai trò của công tác Dân số - KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản trong công nhân lao động, trong những năm gần đây, các cấp công đoàn luôn bám sát sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động thành phố trong công tác dân số - KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản với các hoạt động tập trung vào các vấn đề liên quan đến chất lượng dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, lồng ghép công tác tuyên truyền các kiến thức về gia đình, bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới... vào các ngày kỷ niệm, hưởng ứng các ngày trong năm với nhiều hình thức như: Nói chuyện chuyên đề, tập huấn, tọa đàm, diễn đàn, hội thi, liên hoan văn nghệ nhân kỷ niệm ngày 8/3, ngày 20/10, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Dân số Việt Nam 26/12, Ngày Dân số Thế giới 11/7, Tháng công nhân (tháng 5), Tháng hành động quốc gia về Dân số (tháng 12), Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới…
Liên đoàn Lao động thành phố đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 10 cuộc tuyên truyền về chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ, về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình... cho trên 2.500 công nhân lao động tại các doanh nghiệp. Tổ chức khám, tư vấn sức khỏe cho 4.700 nữ CNVCLĐ là giáo viên mầm non có hoàn cảnh khó khăn, nữ đoàn viên, công nhân lao động tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ và có mức lương thấp; qua đó, giúp cho nữ CNVCLĐ phòng ngừa và phát hiện sớm nhất những dấu hiệu bất thường có nguy cơ phát triển thành bệnh lý, để có biện pháp điều trị sớm.
Hàng năm, ký Hợp đồng trách nhiệm với Chi cục Dân số - KHHGĐ thành phố trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực dân số, về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân … cho CNVCLĐ thành phố. Theo đó, LĐLĐ thành phố đã tổ chức 05 cuộc tuyên truyền với sự tham gia 1.250 công nhân lao động tại các doanh nghiệp thuộc LĐLĐ huyện Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên và Công đoàn ngành Công thương.
Năm 2020, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam triển khai dự án tại 19 doanh nghiệp đông lao động nữ trong Khu Công nghiệp Vsip và Nomura; dự án “Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt” tổ chức 50 cuộc tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai hiện đại, dinh dưỡng và sức khỏe cho bà mẹ & trẻ nhỏ, nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn nấu bữa ăn dinh dưỡng cho gần 18.000 công nhân lao động; khám sức khỏe cho gần 5.000 nữ công nhân lao động; lắp đặt 25 phòng vắt, trữ sữa, tặng 3.000 suất quà cho nữ công nhân lao động với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản và dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em trong công nhân lao động” tại Công ty TNHH CN Giầy Aurora Việt Nam với 08 đội đến từ các phòng, ban, phân xưởng trong công ty. Thông qua Hội thi, góp phần cung cấp thông tin, kiến thức, thay đổi hành vi về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, lợi ích của sữa mẹ và ý nghĩa của việc nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ nhỏ đến công nhân lao động tại công ty.
Theo báo cáo từ cơ sở, đã có trên 38.600 lượt người được tuyên truyền về dân số - KHHGĐ bằng nhiều hình thức khác nhau đến công nhân lao động với những nội dung về chính sách pháp luật liên quan tới công tác dân số - KHHGĐ, lợi ích của việc tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, nuôi con bằng sữa mẹ... Thông qua buổi tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của người lao động về công tác Dân số - KHHGĐ, về sức khỏe sinh sản, kiến thức về giới và những vấn đề về hôn nhân gia đình… Từ đó, người lao động có những kiến thức, để tự bảo vệ mình, phòng tránh những bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe sinh sản và năng suất hiệu quả lao động, góp phần xây dựng gia đình, xã hội ấm no hạnh phúc. Việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm đối với người lao động cũng được các đơn vị quan tâm; hàng năm có trên 60.000 lượt công nhân lao động được khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa. Nhiều doanh nghiệp có phòng y tế được trang bị tương đối đầy đủ về giường, tủ thuốc, bố trí cán bộ trực ban, khám, chăm sóc, sơ cấp cứu ban đầu cho công nhân lao động; một số doanh nghiệp đông lao động nữ lắp đặt và sử dụng có hiệu quả phòng vắt, trữ sữa; hỗ trợ tiền gửi con nhà trẻ, mẫu giáo…
Tuy nhiên, thực tế công tác tuyên truyền về Dân số - KHHGĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cả nguồn nhân lực lẫn kinh phí hoạt động. Để triển khai tốt công tác dân số - KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp, các cấp công đoàn cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với chuyên môn, tạo nhiều nguồn lực đầu tư cho tuyên truyền, tư vấn nhằm giúp công nhân lao động đặc biệt là lao động nữ dần thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi. Đồng thời, tăng cường mở rộng các loại hình hỗ trợ phương tiện, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe sinh sản, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân lao động được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là lao động nữ được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ y tế. Bởi đó cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.