60 mươi năm đã trôi qua, nhưng những kỳ tích, huyền thoại của đường Hồ Chí Minh trên biển và "Đoàn tàu không số" vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc hôm nay.
Ngay từ khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã sớm khẳng định công tác chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam giữ vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định.
Trước tình hình đó, tháng 7-1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603, có nhiệm vụ mở đường trên biển vận chuyển vũ khí, hàng hóa và con người chi viện cho miền Nam. Để giữ bí mật, tiểu đoàn hoạt động dưới tên gọi “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”.
Những ngày đầu hoạt động trong điều kiện khó khăn, ác liệt lại chưa có kinh nghiệm và hiểu biết nhiều về tình hình cụ thể tại các tỉnh duyên hải phía Nam, nên chuyến vượt biển đầu tiên bằng thuyền buồm của Tiểu đoàn 603 không thành công. Tiểu đoàn 603 phải tạm ngừng hoạt động trên biển để tìm giải pháp và phương thức vận chuyển phù hợp.
Một chuyến tàu của "Đoàn tàu không số" trên đường vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam
Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23-10-1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn Vận tải biển 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân (với tên gọi “Đoàn tàu không số”) đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng.
Sự ra đời của Đoàn 759 cùng với việc khai thông tuyến chi viện chiến lược Bắc-Nam trên biển là sự kiện hết sức có ý nghĩa. Từ đây, các địa phương ven biển miền Nam, chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ (B2) đã nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc, tạo nên sức mạnh và niềm tin to lớn cho các LLVT trên chiến trường miền Nam.
Khi nhận được chỉ thị, các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa, Bạc Liêu… hăng hái, phấn khởi bắt tay ngay vào việc sắm thuyền, vũ khí và tuyển chọn người. Các đội thuyền của Nam bộ đã lần lượt đến miền Bắc. Đội số 1 của Bến Tre do Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Chi bộ; Nguyễn Văn Hải, thuyền trưởng đến ngày 11-6-1961. Đội số 1 của Cà Mau do ông Bông Văn Dĩa, thuyền trưởng kiêm Bí thư Chi bộ, đến ngày 7-8-1961.
Trong suốt 15 năm, đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại của bộ đội Hải quân, được khẳng định bởi những con số vô cùng to lớn. Băng qua sóng gió biển khơi, qua bom đạn và sự theo dõi, chống phá của kẻ thù, đã có 1.879 lượt tàu thuyền vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và 80.026 cán bộ, chiến sỹ từ miền Bắc vào miền Nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ và quân đội Sài Gòn.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với cán bộ, chiến sỹ trên những con tàu không số của bộ đội Hải quân và nhân dân cả nước trong cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt với kẻ thù. Thành công của việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm cho kẻ thù bất ngờ, khiếp sợ và bạn bè thế giới khâm phục, kính trọng.
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đường Hồ Chí Minh trên biển được coi là một trong những kỳ tích độc đáo của chiến tranh.
Tài liệu tuyên truyền đính kèm