Thứ sáu, 17/05/2019
Tại hội nghị, đại diện Hội Luật gia thành phố; Liên đoàn Lao động các quận, huyện; Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, ngành Công Thương và đại diện công đoàn các cơ sở góp ý kiến trực tiếp vào một số nội dung lớn trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, về mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, phần lớn các ý kiến đồng tình quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không vì lý do gì, chỉ cần thời hạn báo trước nhằm bảo đảm quyền được tự do lựa chọn việc làm, hướng tới việc làm tốt hơn và phòng, chống cưỡng bức lao động. Một số ý kiến không đồng ý xem xét mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như trong dự thảo (400 giờ/năm) và đề xuất việc chi trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động được tính theo lũy tiến cụ thể (làm thêm giờ vào ngày thường, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, Tết). Về tuổi nghỉ hưu, đại diện các công đoàn cơ sở cho rằng, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc đến các yếu tố: Đối tượng, lĩnh vực ngành, nghề, tình hình việc làm của lao động, sức khỏe người lao động. Theo đó, nếu tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên tăng với những người làm việc ở khối hành chính sự nghiệp, không nên tăng với công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học…Một số góp ý khác về vấn đề tiền lương, tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; về tranh chấp lao động tập thể và đình công; một số nội dung đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới; về thời gian nghỉ Tết âm lịch và bổ sung một ngày nghỉ vào Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7...
Kết thúc hội nghị, đồng chí Tống Văn Băng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cảm ơn và tiếp thu các ý kiến góp ý, giao Văn phòng Liên đoàn Lao động thành phố tổng hợp để báo cáo cấp trên./.