Tham dự Hội thảo có đồng chí Đỗ Hồng Vân, Ủy viên BCH, Quyền Trưởng ban, Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam; đồng chí Đào Thị Huyền, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hải Phòng, cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ thành phố; đại diện lãnh đạo, trưởng ban nữ công công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng, các đơn vị: Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam, Công ty TNHH Fujifilm Hải Phòng, Công ty TNHH Maple, Công ty TNHH AmTran thuộc Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được tìm hiểu mô hình chăm lo cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc của Công đoàn Regina Miracle International Việt Nam. Các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi các nội dung như: Thực trạng thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp hiện nay, những chính sách doanh nghiệp đang áp dụng nhằm chăm lo tốt hơn quyền của lao động nữ, vai trò của Ban Nữ công quần chúng và CĐCS, Công đoàn cấp trên cơ sở trong quá trình đối thoại với người sử dụng lao động; chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình đối thoại, đàm phán; giải đáp những tình huống khó khăn đã trải qua trong thực tế đối thoại. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận những nội dung mà Công đoàn đưa ra đối thoại với người sử dụng lao động nhằm cải thiện và chăm lo tốt hơn cho lao động nữ tại đơn vị. Qua đó, triển khai sâu rộng, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với lao động nữ, xây dựng, nhân rộng mô hình điểm về chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng này.
Tính đến tháng 6/2022, Liên đoàn Lao động thành phố quản lý 2.885 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 323.137 CNVCLĐ; tổng số đoàn viên công đoàn 303.025 người trong đó nữ nữ 190.318 người, chiếm 61.7%. Các cấp công đoàn đã tích cực thực hiện đàm phán, thông qua cơ chế thương lượng để người sử dụng lao động đưa các nội dung có lợi cho lao động nữ vào thỏa ước lao động tập thể như: hỗ trợ tiền xăng, ăn ca, kinh phí gửi trẻ, thời gian nghỉ đến kỳ nguyệt san, thai sản, phòng chống quấy rối tình dục...Các cấp Công đoàn thành phố phối hợp với doanh nghiệp xây dựng Thỏa ước LĐTT, khuyến khích xây dựng những quy định tốt hơn so với quy định của pháp luật đặc biệt là quyền và lợi ích của LĐ nữ mang thai và nuôi con nhỏ như: giảm giờ làm trong thời gian mang thai từ tháng thứ 7 và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà không bị cắt giảm tiền lương, quyền và lợi ích, không phải tăng ca; có xưởng làm việc giành riêng cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, được bố trí công việc nhẹ nhàng hơn, có chỗ ngồi để không ảnh hưởng tới thai nhi; được phát phiếu ưu tiên khi vào nhà ăn, khi ra vào cổng, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ được sắp xếp vị trí để xe riêng. Đối với những đơn vị từ 1.000 LĐ nữ trở lên phải lắp đặt phòng vắt trữ mẹ tại nơi làm việc...
Đồng chí Đỗ Hồng Vân, Quyền Trưởng ban, Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đơn vị. Đó là những việc làm thiết thực trong hoạt động chăm lo CNLĐ, đặc biệt lao động nữ. Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổng hợp để đề xuất xây dựng mô hình về chăm lo cho lao động nữ trong thời gian tới.
PTT