* Lịch sử ra đời
Ngày Quốc tế thiếu nhi bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử buồn và khó quên của nhân loại. Sự kiện xảy ra vào những năm 1942-1944. Rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt đi 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng tàn sát 66 người và đưa 104 trẻ em vào trại tập trung, hơn 88 em đã chết trong phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Hai năm sau, ngày 10/06/1944, chúng lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp). Chúng dồn hơn 400 người vào trong một nhà thờ, trong số đó có rất nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em rồi phóng hoả đốt cháy toàn bộ nhà thờ đó. Đó là những tội ác không thể tha thứ của bọn phát xít khiến toàn nhân loại căm phẫn tột cùng và đau xót cho những đứa trẻ vô tội.
Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm Ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi. Từ đó đến nay, tổ chức phụ nữ thanh niên các nước đã chính thức lấy ngày này làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống lại các thế lực xấu gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên toàn thế giới.
* Ngày Quốc tế thiếu nhi ở Việt Nam
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình thương yêu, sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt cho sự nghiệp trồng người. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội. Ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày Tết thiếu nhi và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ.
Hiện nay, chính sách pháp luật của Việt Nam về trẻ em ngày càng được hoàn thiện và tiến bộ. Luật Trẻ em đã quy định 25 điều về quyền trẻ em, thuộc 4 nhóm quyền: quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển, quyền được tham gia. Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống, lớn lên lành mạnh, an toàn. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định: Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững.
* Các cấp Công đoàn Hải Phòng với hoạt động chăm lo cho con CNVCLĐ
Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề
“Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, các cấp công đoàn thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tư vấn kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt kỹ năng phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em thông qua các kênh truyền thông báo chí, trên mạng xã hội facebook công đoàn, các tài liệu, sản phẩm truyền thông về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Phối hợp với chuyên môn đồng cấp tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi, đạt thành tích cao trong học tập, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 phù hợp với điều kiện thực tế.
Vận động các đơn vị, doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn tham gia ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố; hỗ trợ để xây dựng lớp học, nhà ở, cơ sở vật chất, thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em, con CNVCLĐ; hỗ trợ y tế, chăm sóc dinh dưỡng, phẫu thuật tim bẩm sinh, khám chữa bệnh cho con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn.
Phối hợp tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, con CNVCLĐ như: Diễn đàn, tọa đàm, tổ chức gặp mặt lãnh đạo địa phương, các ban, ngành với trẻ em... để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình vào các vấn đề liên quan đến trẻ em. Đồng thời lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản liên quan đến trẻ em.
Tăng cường hướng dẫn trẻ em về thực hành quyền trẻ em, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ em. Tổ chức các câu lạc bộ, đội, nhóm trẻ em, các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao, du lịch và tham quan di tích, thắng cảnh cho trẻ em, con CNVCLĐ bảo đảm an toàn, lành mạnh, phù hợp với thực tế và tình hình phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, chủ động nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em và có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn. Thường xuyên kiểm tra, rà soát những nơi không an toàn, nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em; việc sử dụng lao động trẻ em và có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục trẻ em là công việc thường xuyên và liên tục, toàn diện và lâu dài. Hãy để trẻ em được hưởng thụ quyền lợi chính đáng và có điều kiện để vươn tới ước mơ cao đẹp./.
*Khẩu hiệu tuyên truyền:
1. Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh.
2. Tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.
3. Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em.
4. Tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em phát triển toàn diện.
5. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.
6. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động
7. Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thông báo mọi
hành vi xâm hại trẻ em.
8. Bảo vệ quyền của mọi trẻ em trên môi trường mạng.
9. Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
10. Đội mũ bảo hiểm cho con, trọn tình cha mẹ.
PTT