
Để đánh giá khách quan, toàn diện thực tiễn thi hành Luật Công đoàn 2012, qua đó xác định những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong tổ chức thi hành Luật ở các cấp công đoàn, các cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là công tác đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính của đoàn viên, người lao động; sáng ngày 13/10, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn.

Luật Công đoàn 2012 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các cấp Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong xã hội. Để bảo đảm quyền công đoàn của người lao động, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như, Hiến pháp 1957; 1980; 1992; 2013; Bộ luật Lao động 1994 (được sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2012, 2019); Luật Công đoàn 1957, 1990, 2012 và nhiều văn bản pháp luật khác. Có thể nói hệ thống văn bản pháp luật về quyền của người lao động, quyền công đoàn được hình thành sớm và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đã tạo hành lang pháp lý cho người lao động thực hiện quyền công đoàn của mình trên tất cả các mặt: quyền thành lập tổ chức công đoàn; quyền gia nhập công đoàn và quyền hoạt động công đoàn; qua đó đã phát huy tác dụng góp phần giải phóng con người, động viên người lao động tích cực tham gia xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện quyền công đoàn của người lao động trong các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn bất cập: Nhiều chủ doanh nghiệp tìm mọi cách né tránh, trì hoãn, không tạo điều kiện để người lao động thực hiện quyền gia nhập, thành lập công đoàn. Sự cản trở, gây khó khăn của chủ doanh nghiệp với việc thực thi quyền công đoàn lại diễn ra bằng nhiều hình thức, biện pháp khá tinh vi. Vì vậy rất khó cho việc xử lý theo quy định của pháp luật. Một số tổ chức công đoàn cơ sở, tuy đã được thành lập nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, quyền đại diện của công đoàn mang tính hình thức, quyền đại diện trong việc ký thoả ước lao động tập thể còn gặp khó khăn; chất lượng và hiệu quả hoạt động đại diện chưa cao, chưa phát huy và thể hiện tốt vai trò là người “duy nhất” đại diện cho công nhân, lao động. Hoạt động công đoàn ở nhiều doanh nghiệp tư nhân và FDI vẫn còn chưa thực chất: Đoàn viên và người lao động ít có cơ hội tham gia và quyết định những vấn đề của công đoàn; người lao động không có thời gian để tham gia các hoạt động công đoàn.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, Luật Công đoàn 2012 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới. Luật Công đoàn 2012 được ban hành trước khi Hiến pháp 2013 được thông qua nên có những quy định chưa hoàn toàn tương thích với Hiến pháp 2013. Ngoài ra, những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tổ chức Công đoàn, trong đó có nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, về quyền Công đoàn tại doanh nghiệp có sự khác biệt so với các quy định của Luật Công đoàn 2012. Do vậy, Luật Công đoàn 2012 cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành, cụ thể. Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Công đoàn; kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012 và các quy định pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, cụ thể.
Cần quy định về đối tượng, phạm vi điều chỉnh trong Luật Công đoàn 2012 còn hẹp so với sự phát triển nhanh chóng, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của tô chức Công đoàn.
Quy định đảm bảo công khai, minh bạch, tài chính Công đoàn, đảm bảo thực thi quyền Công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ, cụ thể, tính khả thi không cao.
Việc công khai, tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt và hiểu đúng việc thu, chi, sử dụng tài chính Công đoàn, nhất là kinh phí công đoàn của Công đoàn Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sự lan tỏa rộng khắp, khiến một số cá nhân còn băn khoăn về mục đích sử dụng nguồn kinh phí Công đoàn.
Cần điều chỉnh các nội dung phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế như tăng thời gian hoạt động cho cán bộ Công đoàn kiêm nhiệm tại các doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ của cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở cho phù hợp với thu nhập của doanh nghiệp, tiếp cận với mức lương của thị trường.
Cần ban hành các chính sách riêng cho đội ngũ cán bộ Công đoàn để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng trong hoạt động Công đoàn; trong đó cần có cơ chế bổ sung biên chế là cán bộ Công đoàn cho phù hợp với đặc điểm tình hình của từng tỉnh, thành phố.

PTT