Phát triển đảng trong doanh nghiệp: Bước chuyển về nhận thức và bản lĩnh chính trị trong CNLĐ
Thứ hai, 28/11/2022
Những năm qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế, tạo động lực thúc đẩy quá trình xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong công nhân trực tiếp sản xuất, trí thức và doanh nhân”.
Tuy nhiên, thực tế xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp không ít khó khăn, nguyên nhân là do: Nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng; nhận thức của phần lớn CNLĐ ngại tham gia hoạt động chính trị, không có ý thức tu dưỡng, rèn luyện để trở thành đảng viên; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách tạo điều kiện phát triển Đảng trong CNLĐ còn nhiều bất cập, nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng mức vị trí, vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể...trong doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng…
Do không có tổ chức Đảng đã dẫn đến một số bất cập: Ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của doanh nghiệp còn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng tranh chấp về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội thường xuyên xảy ra. Đã có không ít trường hợp mâu thuẫn trong doanh nghiệp không được lãnh đạo giải quyết kịp thời, trở thành điểm nóng về an ninh trật tự và an toàn xã hội. Thực tế, đã có không ít tình huống phức tạp về tư tưởng, CNLĐ bị kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc, kích động đình công, ngừng việc tập thể. Một số quá khích còn tham gia phá rối doanh nghiệp, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Vì vậy, phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp là nhiệm vụ mang tính chiến lược, quan trọng và cấp bách của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội.
Nhận thức sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ mới, trong đó, xác định công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, những năm qua, Liên đoàn Lao động thành phố tập trung xây dựng nhiều giải pháp thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp để CNLĐ có thêm điều kiện được tham gia, tìm hiểu và nhận thức đầy đủ hơn về vai trò tổ chức Đảng, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm tổ chức triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH Trung ương, Nghị quyết số 26-NQ/TU của BTV Thành ủy về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Nghị quyết số 28-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, trường học ngoài công lập”.
Tính đến tháng 6/2021, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có 588 tổ chức đảng gồm: 54 đảng bộ cơ sở, 201 chi bộ cơ sở và 333 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở (trong đó, tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước 409; hợp tác xã 110; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập 69), với 8.795 đảng viên; 1.379 tổ chức công đoàn, với 207.316 đoàn viên; 355 tổ chức đoàn và hội thanh niên với 19.694 đoàn viên, hội viên.
Hằng năm, Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và Nghị quyết của Tổng Liên đoàn cho đội ngũ cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động và lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là lãnh đạo các doanh nghiệp ngoài nhà nước; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chủ động giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Chú trọng công tác kết nạp đoàn viên mới, thành lập CĐCS, tham gia xây dựng và phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Trong năm 2021, 2022, các cấp công đoàn đã tổ chức 17 lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng cho 774 người; giới thiệu 71 đoàn viên ưu tú cho đảng kết nạp.
Thông qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và người lao động về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể, quan tâm bồi dưỡng giới thiệu CNLĐ vào Đảng, coi đó là điều kiện bảo đảm, góp phần vào sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT- XH của thành phố.
Mặc dù số lượng các doanh nghiệp có tổ chức Đảng, đoàn thể còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, số lượng đảng viên là CNLĐ được kết nạp Đảng chưa tương xứng với sự phát triển nhanh của lực lượng công nhân thành phố, tuy nhiên bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm cán bộ đảng viên, đoàn viên, người lao động và chủ doanh nghiệp. Ở những doanh nghiệp thành lập được chi, đảng bộ, tổ chức đoàn thể đã góp phần củng cố được mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với doanh nghiệp; đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, CNLĐ. Nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp đã thể hiện được tính tiền phong, gương mẫu trong sản xuất kinh doanh, có đạo đức lối sống thân thiện, gần gũi được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động, chủ doanh nghiệp tín nhiệm, yêu mến; có ý thức rèn luyện nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị để có thể nhận diện và đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc về Đảng ta của các thế lực thù địch.
Thời gian tới, cùng với tiến trình đổi mới đất nước và sự phát triển đi lên của thành phố, các KCN, KCX tiếp tục được hình thành và phát triển thu hút các nhà đầu tư, vì vậy số lượng doanh nghiệp và CNLĐ trên địa bàn thành phố sẽ tăng nhanh. Dự báo đến năm 2025, số lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước tại thành phố Hải Phòng đạt khoảng 800.000 người.
Mặt khác, dưới tác động của toàn cầu hóa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự đổi mới công nghệ, quan hệ lao động sẽ có những thay đổi, số lượng doanh nghiệp và CNLĐ tăng nhanh sẽ làm quan hệ lao động phức tạp hơn. Những tác động tiêu cực trong xã hội ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và ý thức chính trị, đạo đức lối sống của CNLĐ thành phố.
Những thuận lợi và khó khăn trên sẽ có tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống của giai cấp công nhân, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thành lập, xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác phát triển Đảng trong CNLĐ và xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước và thành phố trong quá trình CNH- HĐH, hội nhập quốc tế; trong thời gian tới, Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 20- NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp, hóa hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết 28-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, trường học ngoài công lập” và Nghị quyết 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.