Hải Phòng 16/03/2025

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc và mức xử phạt đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Thứ sáu, 25/11/2022

Bộ luật Lao động 2019 định nghĩa: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.

      Điều 84 Nghị định 145/2020 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, có hiệu lực từ ngày 1.2.2021) quy định cụ thể về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo đó, quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
      Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
      a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; 
      b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
      c) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
      Nơi làm việc quy định tại Khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.
       Mức xử phạt đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc:
       Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó có nội dung về xử phạt quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Cụ thể, khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định thực hiện hợp đồng nêu rõ: Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/01/2022.
       Trước đây, tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP không có quy định về mức xử phạt với hành vi vi phạm này. Thay vào đó, khi có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người lao động sẽ bị xử lý kỷ luật lao động tương ứng với hình thức xử lý đã được quy định trong nội quy lao động (khoản 1 Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP) hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác".
        Như vậy, hiện nay, theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ có thể bị phạt từ 15 - 30 triệu đồng.
        Về truy cứu hình sự hành vi QRTD nơi làm việc chưa được Bộ luật Hình sự quy định cụ thể. Tuy nhiên, nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm; danh dự người khác; thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về: Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự:
        1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm; danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
        2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
        a) Phạm tội 02 lần trở lên;
        b) Đối với 02 người trở lên;
        c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

        …
        g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
        3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
        a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
        b) Làm nạn nhân tự sát.

        4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
PTT
Xem tin khác
Lượt truy cập
Hôm nay:2137
Tất cả:05951227
Đang trực tuyến:84

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn