Thứ tư, 27/07/2022
Công đoàn Việt Nam tiền thân là tổ chức Tổng Công Hội đỏ Bắc kỳ được thành lập ngày 28/7/1929 tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Tổng Công hội Đỏ gồm 06 đồng chí do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Ủy viên Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam có nhiều tên gọi khác để phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn: Công hội đỏ (1929 -1935), Nghiệp đoàn Ái hữu (1936 – 1939), Hội Công nhân phản đế (1939 -1941), Hội Công nhân cứu quốc (1941 -1946), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946 – 1961), Tổng Công đoàn Việt Nam (1961 – 1988) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ 1988 đến nay. Cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Việt Nam luôn phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ góp phần to lớn vào thắng lợi cách mạng Việt Nam.
Trong những ngày đầu, đứng trước hoàn cảnh khó khăn, Công đoàn đã tập hợp giáo dục công nhân đấu tranh chống phong kiến, thực dân, đòi quyền dân sinh, dân chủ và đã góp phần to lớn vào cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Qua chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tổ chức Công đoàn đã động viên công nhân lao động vượt khó khăn ra sức thi đua sản xuất, kháng chiến kiến quốc cùng dân tộc làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Từ năm 1954 đến năm 1975, đất nước tạm thời bị chia làm hai miền, Công đoàn đã vận động đoàn viên, công nhân lao động đẩy mạnh sản xuất, xây dựng và bảo vệ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Mùa Xuân năm 1975, phong trào đấu tranh sôi nổi, quyết liệt của nhân dân cả nước, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, tổ chức Công đoàn nước ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng phát triển và lớn mạnh như ngày hôm nay.
Bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập văn hóa, kinh tế thế giới, Công đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích, hợp pháp chính đáng của người lao động; tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã thu hút và tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ của đoàn viên, NLĐ. Qua đó, đã khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam.
Có thể khẳng định, quá trình hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam là sự kết hợp hài hòa của phong trào công nhân với phong trào yêu nước của toàn dân tộc. Trải qua 93 năm hoạt động, Công đoàn Việt Nam luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc, quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động, vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Qua đó thể hiện vai trò tiên phong trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì phấn đấu, sáng tạo trong nội dung và phương thức hoạt động; bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân và NLĐ; có tinh thần quốc tế trong sáng, xây dựng được quan hệ hữu nghị và hợp tác với tổ chức Công đoàn của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với giai cấp công nhân cả nước, CNVCLĐ huyện Tiên Lãng đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, khắc phục mọi khó khăn, bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, từng bước ổn định và nâng cao đời sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Kể từ khi thành lập đến nay, Công đoàn huyện Tiên Lãng được thành lập 23/10/1979, đã trải qua 10 kỳ Đại hội. Trong những năm gần đây, dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn của huyện. Các cấp Công đoàn huyện Tiên Lãng nổ lực cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh đồng thời nổ lực hỗ trợ doanh nghiệp, CNLĐ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, lực lượng cán bộ công đoàn trong toàn huyện đang ngày đêm xung kích, tình nguyện, đoàn kết, phát huy mọi khả năng, sức lực, dồn hết tâm huyết, trách nhiệm để chăm lo cho đoàn viên, người lao động, với mục đích hỗ trợ tối đa cho người lao động huyện nhà bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời sớm dập được dịch nhằm đảm bảo đời sống, việc làm, thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn trong huyện đã không ngừng nổ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên và người lao động; tổ chức thực hiện các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sánh tạo; giỏi việc nước đảm việc nhà; thực hiện cuộc vận động người cán bộ công chức trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo; xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; đảm bảo an toàn lao động…Công đoàn huyện thường xuyên đổi mới, nội dung phương thức hoạt động và tổ chức nhiều chương trình thiết thực cho đoàn viên, NLĐ điển hình: Chương trình “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân – Tháng ATVSLĐ”, “Mái ấm Công đoàn huyện”... đã đem lại quyền lợi cụ thể, thiết thực cho đoàn viên, NLĐ. Nội dung, phương thức hoạt động, công đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng hướng về cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.
Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong thời gian tới, các cấp Công đoàn trong huyện cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung: Tập trung cao độ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, tích cực chủ động tham mưu, phối hợp với các ngành, các cấp, các địa phương phòng chống dịch bệnh, đồng thời đảm bảo an toàn duy trì sản xuất kinh doanh. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người lao động theo quy định của Chính phủ và Tổng Liên đoàn; Đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động. Đổi mới cơ chế hoạt động xã hội của Công đoàn theo hướng đảm bảo quyền an sinh xã hội; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, chú trọng công tác định hướng thông tin trên Internet và mạng xã hội. Tham gia xây dựng môi trường văn hóa tích cực trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp; xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho người lao động; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn.
Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là dịp để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ huyện đã ôn lại và phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, tiếp tục thi đua, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi cán bộ, đoàn viên, CNLĐ Tiên Lãng hôm nay tự hào với quá khứ hào hùng, phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, huyện Tiên Lãng anh hùng nêu cao tinh thần quyết tâm công đoàn; khắc phục khó khăn, thử thách, đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội X CĐ huyện Tiên Lãng nhiệm kỳ 2018 - 2023; tiếp tục duy trì và phát triển mạnh mẽ, phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo, chất lượng, hiệu quả, năng suất để góp phần thực hiện thắng lợi chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2020- 2025.