Diễn ra trong hai ngày 21-22/2, hội nghị sẽ bàn luận về kế hoạch tổ chức Tháng Công nhân 2025, gắn với kỷ niệm 139 năm Ngày Quốc tế Lao động và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, chương trình thực hiện Nghị quyết số 07 (2024-2028) về chăm lo phúc lợi cho người lao động cũng được đưa ra thảo luận nhằm xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định và dài hạn.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh chủ đề Tháng Công nhân 2025 là “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”, phản ánh tinh thần đổi mới và phát triển. Đồng chí đề nghị các Ủy viên Đoàn Chủ tịch đóng góp ý kiến vào các giải pháp nhằm cải thiện việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc và đời sống tinh thần cho người lao động.
Thông tin Chương trình thực hiện Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII về “Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới” giai đoạn 2024 - 2028, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết: Nghị quyết 07 đặt ra mục tiêu “Xây dựng hệ thống chính sách, tập trung nguồn lực của tổ chức Công đoàn chăm lo phúc lợi theo hướng đồng bộ, ổn định, dài hạn; huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Tạo sự gắn kết chặt chẽ, bền vững giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn, thu hút đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện”.
Thời gian tới, đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với hoạt động của Công đoàn Việt Nam, cùng với đó là mong muốn của đoàn viên, người lao động là ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc an toàn, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Thường trực Đoàn Chủ tịch đã giao Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ Lao động xây dựng chương trình để triển khai nghị quyết. Theo đó, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến vào mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu, đặc biệt là các giải pháp tổ chức thực hiện để chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động.
Ngoài ra, hội nghị cũng xem xét các quy định về tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn cơ sở, bao gồm điều kiện gia nhập, chức năng, nhiệm vụ và quản lý tài chính, nhằm tăng cường sức mạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới. Riêng năm 2024, lần đầu tiên Đoàn Chủ tịch giao chỉ tiêu thành lập Nghiệp đoàn cơ sở khu vực phi chính thức cho LĐLĐ các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh những nội dung trên, tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nghe Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Hướng dẫn thi hành Điều Lệ Công đoàn Việt Nam; cho ý kiến vào: Tờ trình sắp xếp các Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam; Báo cáo tình hình quan hệ lao động và kết quả chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; Đề án “Công đoàn tham gia xây dựng, thúc đẩy văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc giai đoạn 2025 - 2030”; Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028; Tờ trình về việc phân công nhiệm vụ các đồng chí Thường trực Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.
PTT