Thứ năm, 11/01/2018
*Thân thế, sự nghiệp lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 02/02/1908 trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu truyền thống hiếu học, yêu nước tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh, nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1923, khi tròn 16 tuổi đồng chí sang học tại trường cấp II Thành Trung - Nam Định (1923-1926). Đồng chí giác ngộ cách mạng từ rất sớm, 18 tuổi đã thoát ly lên Hà Nội làm công nhân nhà in Mạc Đình Tư, đến tháng 6 năm 1927 tham gia tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Sau đó đồng chí được cử sang Quảng Châu - Trung Quốc dự lớp chính trị của tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội do Đ/c Nguyễn ái Quốc trực tiếp lên lớp. Qua học tập, càng hiểu sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân qua đó lòng yêu nước, chí khí đấu tranh, tinh thần cách mạng cao cả của đồng chi Nguyễn Đức Cảnh càng được hun đúc mạnh mẽ.
Từ năm 1928, trên cương vị là Ủy viên Kỳ bộ hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ, được phân công phụ trách khu Duyên Hải (bao gồm Hải Phòng, Kiến An, Vùng mỏ), kiêm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người đề ra và gương mẫu thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, đưa hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên vào hẩm mỏ, bến cảng, nhà máy để lao động, rèn luyện và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin. Bản thân đồng chí trực tiếp làm thợ tại nhà máy Ca-rông Hải Phòng. Đồng chí dành nhiều thời gian cho tổ chức huấn luyện, viết các tài liệu tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, về cách mạng dân tộc, dân chủ.
Với trọng trách trên Đ/c Nguyễn Đức Cảnh đã đem hết sức mình vào việc huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng truyền bá chủ nghĩa Mác Lê nin, phương pháp tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng.
Cuối năm 1928 phong trào đấu tranh cách mạng đã khá mạnh ở cả Bắc Kỳ Đ/c Nguyễn Đức Cảnh đã viết tập tài liệu 16 trang với tiêu đề “Tổ chức công hội” nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác Lê nin, tài liệu đã được tổ chức bí mật in ấn lưu hành trong công nhân
Sang năm 1929 phong trào cách mạng dấy lên rộng khắp – từ đó yêu cầu khách quan đặt ra là phải có một tổ chức cao hơn để ngang tầm với sự đòi hỏi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc chính là - Đảng cộng sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Đầu tháng 3 năm 1929 tại số nhà 5D phố Hàm Long Hà Nội chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở nước ta được thành lập gồm 7 Đ/c (Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Tuần Chung, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Phong Sắc).Tiếp đó, ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập với sự đóng góp tích cực, to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đồng chí tham gia Ban chấp hành lâm thời, trực tiếp chỉ đạo tổ chức Công hội Đỏ. Ngày 28/9/1929, tại Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Tổng thư ký và phụ trỏch tờ bỏo " Lao động" và tạp chí " Công hội đỏ". Tại Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 3/2 đến 7/2/1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phũng. Đồng chí đó kiện toàn 14 chi bộ với 100 đảng viên, phát triển các tổ chức Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ, Thanh niên đoàn, Phụ nữ giải phóng và mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, tổ chức ấn hành tờ " Sao đỏ" - cơ quan của Tỉnh Đảng bộ, tờ " Tia lửa" - cơ quan của tỉnh đoàn thanh niên.
Tháng 4/1930, đồng chí tổ chức đón, bảo đảm an toàn Tổng Bí thư Trần Phú về khảo sát phong trào công nhân Hải Phũng đồng thời đóng góp ý kiến thực tiễn giúp đồng chí Trần Phú khởi thảo Luận cương chính trị của Đảng năm 1930. Cuối tháng 10/1930, đồng chí được Trung ương Đảng điều động vào tham gia uỷ viên xứ uỷ Trung kỳ để tăng cường lónh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Tháng 5/1930 Đ/c được cử làm bí thư xứ uỷ Bắc kỳ – tháng 10/1930 trước yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Xô Viết Nghệ An Đ/c được trung ương đảng điều động vào tham gia xứ uỷ trung kỳ
Ngày 9/4/1931 sau cuộc họp quan trọng của xứ uỷ trung kỳ tại thành phố Vinh về Đ/c đã bị địch bắt tại làng Yên Dũng Hạ. Cuối tháng 4 năm 1931 bọn địch đã giải anh ra Hoả Lò - Hà Nội, dùng mọi cách tra tấn dã man nhưng với chí khí kiên cường của người cộng sản, bọn địch không lấy được 1 lời khai nào
Những ngày cuối cùng trong xà lim án chém đồng chí đã viết tài liệu “công nhân vận động” cùng nhiều tài liệu quan trọng. Đây là những đóng góp to lớn của đồng chí vào kho tàng lý luận cách mạng của đảng ta góp phần lãnh đạo sự nghiệp cách mạng từng bước thắng lợi
Không khuất phục nổi ý chí kiên cường của người cộng sản kiên trung kẻ thù đã kết án tử hình đồng chí. Trước khi đi xa, Nguyễn Đức Cảnh đã viết bài thơ “Tạ từ ngôn” là lời vĩnh biệt anh gửi về cho mẹ và cho quê hương
Ngày 31/7/1932 Thực dân Pháp đã hèn hạ sát hại đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại nhà lao Sông Lấp – Hải Phòng.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta. Đồng chí đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng, thành lập tổng công hội Bắc Kỳ và Đoàn thanh niên cộng sản Việt Nam. Đồng chí cũng là người sáng lập đồng thời cũng là Bí thư tỉnh uỷ đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Hải Phòng và khu mỏ Hòn Gai
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương rực sáng về tinh thần yêu nước nồng nàn, sự giác ngộ chủ nghĩa cộng sản sâu sắc; đồng chí đã nêu tấm gương cao đẹp về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất đạo đức trong sáng, cao cả của người cộng sản chân chính.
Đồng chí đã trọn đời cống hiến, chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp Cách mạng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Tháng 3/1929, đồng chí cùng những thành viên tích cực của Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc kỳ họp tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước. Đầu tháng 4/1929, đồng chí thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên ở thành phố Hải Phòng. Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tham gia thành lập tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và là Ủy viên Trung ương lâm thời. Thực hiện chủ trương của Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, ngày 28/7/1929, đồng chí triệu tập đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Tổng thư ký và phụ trách tờ báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ (Ngày 28/7 sau này được lấy làm ngày truyền thống của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam). Tháng 02/1930, đồng chí được chỉ định tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp là Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng (gồm Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai). Trên cơ sở các đoàn thể cách mạng thuộc Tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng, đồng chí đã kiện toàn 14 chi bộ, với 100 đảng viên, phát triển các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên đoàn, phụ nữ giải phóng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, tổ chức ấn hành tờ Sao đỏ cơ quan của Tỉnh Đảng bộ, tờ Tia lửa cơ quan của Tỉnh đoàn thanh niên.
Tháng 4/1930, đồng chí thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng và trực tiêp làm Bí thư Đảng bộ và sau đó làm Bí thư xứ Ủy Bắc Kỳ.
Cuối tháng 4/1931, sau khi dự hội nghị nghe đồng chí Nguyễn Phong Sắc truyền đạt nghị quyết của Trung ương, trên đường về cơ sở, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt ở làng Yên Dũng Hạ, gần thành phố Vinh. Mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng không lung lạc được người chiến sỹ cộng sản kiên trung. Bất lực, chúng mở tòa đại hình từ ngày 15 đến ngày 17/11/1931, kết tội tử hình Nguyễn Đức Cảnh. Trong xà lim án chém, Nguyễn Đức Cảnh vẫn làm thơ và tập trung sức để viết cuốn Công nhân vận động, chuyển ra cho Trung ương, đồng chí cũng viết thi phẩm “Tạ từ ngôn” để gửi cho mẹ.
Thời gian trong ngục đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân luôn nêu cao khí tiết người chiến sỹ cộng sản, biến tòa án thực dân thành diễn đàn đấu tranh cách mạng. Đến lúc lên máy chém, ngày 31/7/1932, cả hai đồng chí vẫn hiên ngang, bình tĩnh vĩnh biệt đồng chí, đồng bào tin tưởng tuyệt đối sự nghiệp cách mạng của Đảng nhất định thành công. Giờ phút đó đã được sử sách cách mạng ghi đậm, lưu truyền khiến quân thù khiếp sợ, nể phục.
*Thân thế sự nghiệp liệt sỹ Hồ Ngọc Lân
Đồng chí Hồ Ngọc Lân sinh năm 1906 tại phố Niềm Thắng, thị xã Bắc Ninh, trong một gia đình dân nghèo, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng.
Năm 1927, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng, tháng 4/1928 đồng chí được kết nạp vào tổ chức Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội.
Cuối năm 1928, đầu năm 1929 đồng chí đã tổ chức chi bộ thanh niên trong các đơn vị binh lính khố đỏ ở thành phố Bắc Ninh. Đồng chí lãnh đạo việc tổ chức phá nhà mộ phu tại thị xã Bắc Ninh. Tháng 5/1929, đồng chí nhận nhiệm vụ quan trọng và dũng cảm, mưu trí hoàn thành thắng lợi việc vận chuyển vũ khí từ Hải Phòng về Hà Nội và các tỉnh trong vùng.
Tháng 7/1929, đồng chí Hồ Ngọc Lân tham gia thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở hai tỉnh Bác Ninh và Bắc Giang. Tháng 8/1929, đồng chí tham gia ban Tỉnh ủy.
Tháng 11/1929, đồng chí Hồ Ngọc Lân bị mật thám Pháp bắt, kẻ thù tra tấn dã man và tù đày nhưng không khuất phục được đồng chí. Ngày 30/7/1932, thực dân Pháp đã giải đồng chí đi Hải Phòng và rạng sáng ngày 31/7/1932 chúng đã giết hại đồng chí.
Cuộc đời hoạt động cách mạng và cái chết anh dũng của đồng chí Hồ Ngọc Lân mãi mãi là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về phẩm chất đạo đức trong sáng, cao cả của người cộng sản. Đồng chí đã trọn đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.
* Quá trình xây dựng Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân.
Theo sáng kiến của lãnh đạo, công nhân viên Công ty Cổ phần giầy Thống nhất và đề xuất của Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hải Phòng, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chủ trương xây dựng Nhà tưởng niệm hai chiến sỹ cách mạng tịa Hải Phòng.
UBND thành phố đã ban hành quyết định thành lập Ban vận động xây dựng công trình và giao cho LĐLĐ thành phố Hải Phòng làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công ngày 24/8/2008 và hoàn thành ngày 10/5/2009.
Đây là một công trình được thiết kế kết hợp giữa kiến trúc truyền thống cổ với kiến trúc hiện đại, vừa mang ý nghĩa lịch sử, vừa mang ý nghĩa tâm linh, hài hòa với mặt bằng và không gian thực tế.
Công trình gồm: Khối nhà chính rộng 190m2 với hậu cung, bái đường, cổng tam quan và hệ thống các công trình phụ trợ: Sân, vườn, núi non bộ, cây bóng mát, cây cảnh, cây ăn quả, đường đi với tổng diện tích 2600m2 và như một sự sắp đặt ngẫu nhiên, công trình nằm kề bên đình, chùa làng An Dương, xã An Đồng, tạo nên một quần thể tâm linh đồng bộ.
Công trình được xây dựng bằng vật liệu đặc chủng. Trong đó, phần khung, cột, dàn mái bằng gỗ lim. Cửa bức bàn, thượng song, hạ bản, mái lợp ngói hài phục chế chất lượng cao. Tổng kinh phí xây dựng trên 8 tỷ đồng, hoàn toàn bằng nguồn vận động công đức của đơn vị, cá nhân, công nhân, viên chức, lao động và những nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố. Mỗi sự ủng hộ dù ít hoặc nhiều đều thể hiện tình cảm sâu nặng với các chiến sỹ cách mạng đã hi sinh vì nước, vì dân, chung sức làm nên giá trị của công trình.
Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân không chỉ là công trình văn hóa mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa tâm linh mà còn là nơi góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.