Thứ năm, 11/01/2018
Sinh ra và lớn lên từ vùng quê lúa Thái Thụy, Thái Bình - vùng đồng bằng châu thổ được bồi đắp bởi phù sa của hai con sông lớn Thái Bình và Trà Lý, miền quê nghèo ven biển, nơi đầu sóng ngọn gió đã sớm hun đúc trong anh một tình yêu biển với ước mơ được trở thành một thuyền trưởng trong tương lai và thôi thúc cống hiến đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc phát triển nền kinh tế biển của đất nước.
Năm 1992, ước mơ đã trở thành hiện thực khi Phạm Kỳ Quang thi đậu vào ngành Điều khiển tàu biển thuộc Khoa Hàng hải, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Trong suốt 5 năm học tập, rèn luyện tại Trường, anh luôn là một sinh viên tiêu biểu, mẫu mực, được thầy cô và bạn bè tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ: Lớp phó học tập, Phó Bí thư Liên chi, Chủ tịch Hội sinh viên Khoa, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nhà trường, Chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Thanh niên TP. Hải Phòng, Ủy viên BCH TW Hội Sinh viên Việt Nam. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, anh được Nhà trường giữ lại làm giảng viên Bộ môn Hàng hải học, Khoa Hàng hải, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Từ năm 2006 đến năm 2010, anh đi nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Giao thông Đường thủy Quốc gia Xanh - Petecbua, Liên bang Nga, chuyên ngành Khoa học hàng hải (Tự động hóa và điều khiển các quá trình công nghệ và sản xuất (hệ thống kỹ thuật hàng hải). Từ đó đến nay, tròn 20 năm giảng dạy, công tác tại Trường, anh luôn truyền đạt những kinh nghiệm, kiến thức của mình cho các em sinh viên bằng cả trái tim, hết mực quan tâm, yêu thương sinh viên. Bằng sự kiên trì, nhẫn nại, nỗ lực tìm tòi phương pháp mới sinh động, có hiệu quả để vận dụng vào giảng dạy sao cho sinh viên hiểu bài và tiếp thu bài một cách nhanh nhất, áp dụng vào công việc sau khi ra trường hiệu quả nhất.
Từ những năm đầu mới ra trường, với trăn trở, suy nghĩ làm sao hình ảnh người thầy mẫu mực trong mắt học trò là vô cùng quan trọng, vì vậy anh luôn ý thức và nhắc nhở bản thân phải chuẩn mực, gương mẫu, là tấm gương sáng cho sinh viên noi theo. Từ đó anh mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ các giảng viên đi trước, tích cực tham gia các cuộc hội giảng, dự giờ đồng nghiệp để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Với niềm say mê nghiên cứu, anh đã viết 80 bài báo Khoa học chuyên ngành công bố trên các tạp chí chuyên ngành, Hội thảo khoa học, trong đó hơn 20 bài công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc Hội nghị quốc tế bằng Tiếng Anh và Tiếng Nga. Viết 08 sách chuyên khảo và sách giáo trình giảng dạy Đại học, sau Đại học và huấn luyện hàng hải, trong đó chủ biên 05 sách chuyên khảo và giáo trình giảng dạy. Chủ nhiệm 03 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ và nhiều đề tài khoa học cấp Trường, các đề tài NCKH được Hội đồng khoa học nghiệm thu cấp Bộ GTVT và cấp Trường đánh giá xuất sắc. Hơn nữa, anh còn hướng dẫn các nghiên cứu sinh và học viên cao học; tham gia phản biện các bài báo khoa học, giáo trình giảng dạy, đề tài, luận án,... trong lĩnh vực chuyên ngành.
Với đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, năm 2015: “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo hệ thống la bàn từ kỹ thuật số cho tàu cá và tàu biển chạy tuyến nội địa của Việt Nam”, mang tính sáng tạo khoa học công nghệ, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn hàng hải, anh được UBND TP. Hải Phòng tặng Bằng khen và đạt giải Nhất Sáng tạo Kỹ thuật TP. Hải Phòng lần thứ Nhất, năm 2017, được Ban Thường trực TW Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ, Liên Hiệp Hội KHKT Việt Nam tặng Giấy chứng nhận có công trình khoa học Sáng tạo đưa vào Sách Vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017.
Với kết quả sản phẩm khoa học xuất sắc đạt được của đề tài Khoa học công nghệ cấp Bộ, năm 2017: “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thử nghiệm hệ thống đánh giá tác động của tổ hợp chân vịt - bánh lái đến đặc tính điều khiển hướng chuyển động tàu thủy”, được Diễn đàn các Trường Đại học Hàng hải và nghề cá Châu Á (AMFUF) tặng Giấy chứng nhận, trao phần thưởng vì có công trình khoa học xuất sắc và tiêu biểu nhất năm 2017.
Với các cống hiến trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong 5 năm (giai đoạn 2012 - 2017), anh được Nhà trường trao giải Nhất khoa học công nghệ (giải thưởng Neptune) năm 2017. Mặt khác, anh cùng nhóm tác giả đang tích cực nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu xây dựng thử nghiệm bản đồ dòng chảy phục vụ công tác dẫn tàu an toàn trên tuyến luồng hàng hải - Thực hiện thí điểm trên tuyến luồng Hải Phòng”, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.
Năm 2017, được đánh dấu là năm có nhiều thành công của anh khi được lãnh đạo Nhà trường tin tưởng giao trách nhiệm Viện trưởng Viện Đào tạo chất lượng cao, với mục tiêu đào tạo kỹ sư, cử nhân có chất lượng cao thông qua việc ưu tiên đầu tư điều kiện giảng dạy và học tập tốt, đội ngũ giảng viên giỏi và áp dụng phương pháp dạy - học hiện đại theo định hướng tiêu chuẩn của các Trường Đại học tiên tiến trong khu vực ở 04 chuyên ngành: Kinh tế vận tải biển, Kinh tế ngoại thương, Điện tự động công nghiệp, Công nghệ thông tin.
Tiếp xúc với anh, một cán bộ lãnh đạo trẻ có lối sống giản dị, hòa đồng với quần chúng, đồng chí, đồng nghiệp và sinh viên, mọi người đều khâm phục một tấm gương tiền phong, gương mẫu trong tiết kiệm, chống lãng phí, chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng. Với vai trò là Bí thư Chi bộ Viện Đào tạo chất lượng cao, anh luôn vận động cán bộ, đảng viên, nhân viên và sinh viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trung thực, khách quan trong tự phê bình, phê bình và xây dựng đoàn kết nội bộ, thực hiện tốt đạo đức công vụ của cán bộ, giảng viên Nhà trường “Trí tuệ, trách nhiệm, sáng tạo, nhân văn”.
Với những khó khăn và thử thách sắp tới, chúc cho PGS.TS. Thuyền trưởng hạng nhất Phạm Kỳ Quang sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn giữ được niềm đam mê, nhiệt huyết, cống hiến hết mình cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập noi theo.